MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện. Ảnh: EVN

Có khả thi khi EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện?

Cường Ngô LDO | 30/07/2023 17:31

Theo Quyết định 24/2017 của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có quyền được tăng giá điện trong thẩm quyền của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do vậy, đề xuất tăng giá điện cần được đánh giá toàn diện các tác động về kinh tế, xã hội.

Trong hội thảo về cơ chế, chính sách giá điện mới đây, EVN kiến nghị Chính phủ, bộ ngành cho phép họ sớm được điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Đề nghị này được EVN đưa ra trong bối cảnh sản xuất kinh doanh tiếp tục lỗ khiến họ gặp khó khăn về dòng tiền từ tháng 7 đến hết năm.

Năm 2022, EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra. Ảnh: EVN

Nói về đề xuất tiếp tục tăng giá điện, trao đổi với Lao Động, TS Ngô Đức Lâm - nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, theo Luật Giá năm 2012, ngành điện đã đủ mọi điều kiện để đầu tư và tái phát triển, kể cả cuộc sống của những người làm trong ngành điện.

Vì tất cả chi phí đều được tính vào giá thành. Ngoài giá thành, Nhà nước còn tính định mức hợp lý cho số lãi để cho ngành điện phát triển và đảm bảo phúc lợi.

"Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24/2017, trong đó, thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh tác động kép của việc tăng giá điện vào cuối năm", ông Lâm nói.

Cũng trao đổi với Lao Động, PGS.TS kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho hay, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% từ 4.5, lên 1.920,37 đồng/kWh. Song mức này chỉ bằng một phần ba so với mức tăng 9,27% giá thành sản xuất điện năm 2022 (2.032,26 đồng).

“Theo Quyết định 24/2017 của Chính phủ, EVN có quyền được tăng giá điện trong thẩm quyền của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất, kinh doanh, bứt tốc thực hiện các đơn hàng để hoàn thành kế hoạch của mình.

Do vậy, việc tiếp tục tăng giá điện cần được đánh giá một cách tổng quát, tránh ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, để có cơ sở tăng giá điện vào cuối năm, EVN cũng phải là rõ các cơ sở về kết quả sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư xây dựng, chi phí, lãi suất các khoản vay của mình trong 3 quý năm 2023”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

EVN "lỗ nặng" khi bán điện thấp hơn giá vốn lên tới 29,7 nghìn tỉ đồng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, đã được Deloitte kiểm toán với khoản lỗ hơn 20,7 nghìn tỉ đồng.

Theo báo cáo sau kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26,5 nghìn tỉ đồng. Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20,7 nghìn tỉ đồng.

Năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463 nghìn tỉ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%: trên 456 nghìn tỉ đồng.

Doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372,9 nghìn tỉ đồng. Thế nhưng, giá vốn điện lại lên tới hơn 402,6 nghìn tỉ đồng. Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29,7 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ là 331,6 nghìn tỉ đồng.

Như vậy, năm 2022, EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra, dẫn đến số lỗ kể trên. Điều này không xảy ra trong năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn