MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo mới về nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Hải Nguyễn

Có nên để doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá xăng dầu?

Cường Ngô LDO | 31/03/2024 12:00

Theo đề xuất mới, các doanh nghiệp đầu mối có thể được tự quyết giá bán xăng dầu, nhà nước chỉ công bố giá thế giới bình quân 15 ngày.

Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo mới về nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, với điểm mới nhất là cho các doanh nghiệp được quyền tự quyết giá.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty Xăng dầu Hải Âu Phát - cho biết, Nhà nước cho phép doanh nghiệp đầu mối xác định và lựa chọn mức chi phí và lợi nhuận theo khoảng giá xăng dầu thế giới là điểm sáng tạo và cố định được chi phí, lợi nhuận giúp cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, không nên giới hạn thời gian điều chỉnh các định mức, hạn mức này, cần linh động khi xăng dầu biến động tiêu cực thời gian dài trong chu kì giá và có thể dự đoán trong chu kì giá tiếp theo thì đầu mối nên có tờ trình đề nghị điều chỉnh tăng hoặc giảm hơn mức quy định tại nghị định để phù hợp với thị trường thực tế.

Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới cho phép doanh nghiệp đầu mối tự quyết giá bán sẽ giúp họ cạnh tranh về chi phí, loại bỏ việc áp dụng giá xăng dầu chia hai vùng tại đô thị, nông thôn hiện nay.

Trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế. Việc điều chỉnh thực hiện theo kỳ 15 ngày một lần.

Nói về thời gian điều chỉnh 15 ngày, ông Thắng cho rằng, vì thời gian điều chỉnh giá kéo dài, doanh nghiệp đầu mối cần có chính sách và dự phòng cho các đợt tăng - giảm sốc trong chu kì giá. Điều này giúp tính đúng, đủ về chi phí và lợi nhuận phân phối giữa các khâu, đảm bảo công bằng, minh bạch.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng dự thảo về kinh doanh xăng dầu.

"Đối với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo Nghị định dự kiến sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường và nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá trần, hài hòa lợi ích các bên.

Đồng thời, Bộ sẽ chủ trì cùng với các bộ ngành khác tổng hợp các đề xuất gửi Bộ Tài chính và báo cáo Chính phủ xem xét quyết định chủ trương", bà Hiền nói.

Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết, Bộ này đang nghiên cứu dự thảo để góp ý theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Về nguyên tắc quản lý giá nói chung, ông Bình cho biết, Luật Giá năm 2023 quy định việc quản lý, điều tiết giá theo cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và nhà nước. Đối với xăng dầu, đây là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nên sẽ có một số vấn đề cần xem xét cụ thể, thấu đáo về nguyên tắc điều hành giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn