MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nên ghi âm tư vấn của nhân viên bảo hiểm?

Quý An LDO | 13/04/2023 16:25

Hiện nay, nhiều nhân viên bảo hiểm tư vấn theo kiểu "lời nói gió bay". Do đó, người dân khi nhận tư vấn có nên ghi âm hay không?

Sự việc diễn viên Ngọc Lan khóc lóc lo mất tiền tỉ khi mua bảo hiểm và băn khoăn chưa rõ hợp đồng 74 năm là sẽ đóng 74 năm hay được bảo vệ trong vòng 74 năm đang gây xôn xao trong dư luận.

Một trong những băn khoăn lớn nhất của người dân hiện nay là giữa lời tư vấn của nhân viên bảo hiểm với hợp đồng đôi khi cách nhau một trời một vực.  

Để giải quyết vấn đề này, Luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) hướng dẫn, khách hàng khi nghe lời tư vấn bảo hiểm của nhân viên bán hàng nên ghi âm cuộc nói chuyện. Đây là điều pháp luật không cấm. Việc này càng làm rõ tính minh bạch của quá trình tư vấn hợp đồng để tránh trường hợp “lời nói gió bay”, và cũng là cách để khách hàng tự bảo vệ mình trong khi chờ đợi các cơ quan quản lý tăng cường biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.

"Mặc dù tính pháp lý của hợp đồng từ việc ký kết, thanh toán đến tranh chấp chủ yếu dựa vào bản hợp đồng được ký kết. Tuy nhiên, việc ghi âm cũng góp phần không nhỏ vào việc tạo tâm lý yên tâm cho khách hàng, đồng thời người tư vấn phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm trong lời tư vấn của mình" - Luật sư Phạm Ba Đô nhấn mạnh. 

Luật sư cũng phân tích thêm, hiện nay, với các loại hợp đồng bảo hiểm, chưa có quy định nào bắt buộc phải công chứng. Dù vậy, công chứng bảo hiểm là việc nên làm, bởi lẽ đây cũng là điều có thể giúp quyền lợi của khách hàng được nâng cao tính đảm bảo. Hợp đồng bảo hiểm nếu được công chứng sẽ là một khâu để kiểm tra tính pháp lý cũng như đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người dân. 

Ghi âm nhân viên tư vấn bảo hiểm góp phần đảm bảo tính minh bạch. Ảnh: Hoàng Hà

Theo Luật Công chứng 2014, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (hợp đồng, giao dịch); tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Công chứng hợp đồng, giao dịch do cơ quan bổ trợ tư pháp cụ thể là Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng thực hiện. Việc công chứng giúp bảo đảm nội dung của một hợp đồng, một giao dịch, công chứng viên chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó.

Một hợp đồng bảo hiểm được công chứng để chứng minh tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ. Tôi cho rằng một số điều khoản bất lợi với khách hàng có dấu hiệu trái với đạo đức xã hội. Bởi lẽ, nếu hợp đồng bảo hiểm được phát phát hiện có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, hợp đồng mẫu có thể bị hủy bỏ, và khách hàng sẽ được cảnh báo về điểm bất lợi, kể cả trong trường hợp bên bán bảo hiểm cố tình lách luật. Việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu được quy định chặt chẽ theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010.

Bên cạnh đó, Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của Chính phủ bổ sung bảo hiểm nhân thọ vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và Nghị định số 100/CP ngày 18.12.1993 về kinh doanh bảo hiểm; Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61 năm 2010. Theo đó, cơ quan nhà nước cần vào cuộc quản lý để loại trừ các điều khoản bất lợi cho người mua trong các bản hợp đồng mẫu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn