MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Có nên kết thúc hợp đồng bảo hiểm trước hạn không?

Đức Mạnh LDO | 14/04/2023 17:00

Nếu trong trường hợp hy hữu buộc phải kết thúc hợp đồng bảo hiểm trước hạn, chuyên gia khuyên bạn nên cố gắng đóng phí đủ trong 3 năm đầu tiên. 

Cân nhắc khi rút bảo hiểm trước hạn 

Trao đổi với Báo Lao Động, bà Nguyễn Thu Giang - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - cho rằng, điểm dễ gây hiểu lầm nhất trong hợp đồng bảo hiểm chính là liên quan đến tích lũy và tỉ lệ hoàn lại tiền sau thời hạn. 

“Trong hợp đồng đã ghi rõ được linh hoạt đóng phí từ năm thứ 4. Còn thời hạn đóng 74 năm như diễn viên Ngọc Lan là thời hạn tối đa chứ không phải tối thiểu. Thời hạn tối thiểu là sau khi đóng phí cố định 3 năm đầu, từ năm thứ 4 là có thể linh hoạt. Đóng phí dù đóng ít hay nhiều, miễn trong hợp đồng vẫn còn tiền là sẽ được bảo vệ đầy đủ” - bà Giang phân tích.

Theo chuyên gia, điểm ràng buộc sẽ nằm ở điều khoản phạt khi kết thúc hợp đồng (tùy theo công ty). Cần lưu ý là việc không đóng phí khác với kết thúc hợp đồng. Chấm dứt hợp đồng là khi bạn làm đơn gửi lên công ty bảo hiểm muốn dừng hợp đồng và lấy lại số tiền đang có trong tài khoản. Khi chấm dứt hợp đồng, người mua sẽ bị phạt một khoản chiếm tỉ lệ nhất định trong khoản tích lũy. Thường từ năm thứ 4 - 10 sẽ giảm dần. Đến năm thứ 10, hầu hết các công ty bảo hiểm sẽ không thu phí phạt này. 

Đặc biệt, người mua không nên dừng hợp đồng trong 3 năm đầu tiên. Nếu vẫn muốn dừng thì sau khi đóng đủ 3 năm, khách hàng hãy giữ tiền trong bảo hiểm để chi trả cho các chi phí rủi ro như tử vong, nhập viện… trong những năm tiếp theo. Như vậy bạn vừa được bảo vệ trọn vẹn những giá trị mình đã ký kết, vừa không phải đóng thêm tiền và chịu phạt vì kết thúc hợp đồng bảo hiểm sớm trước thời hạn. 

"Sau 3 năm, hợp đồng có khoản tích lũy nhất định, khách hàng có thể tận dụng khoản này để không phải đóng phí của năm thứ 4 nhưng tùy từng hợp đồng mà vẫn có giá trị bảo vệ ở năm thứ 4, có khi cả năm thứ 5" - chuyên gia lý giải.

Người mua bảo hiểm không nên dừng hợp đồng trong 3 năm đầu tiên. Ảnh: Đức Mạnh 

Tín hiệu của một tư vấn viên đáng ngờ  

Do bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam phát triển theo con đường “nóng, ấm, lạnh”, tức từ những người họ hàng, bạn bè rồi dần mở rộng ra. Điều này sẽ tạo lòng tin tới người mua hơn, nhưng đôi khi lại tác dụng ngược nếu người tư vấn không có tâm. 

Theo đó, có nhiều trường hợp khách hàng đưa tiền cho người tư vấn nhưng họ lại không nộp đủ lên công ty khiến hợp đồng mất hiệu lực, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người mua. Thay vào đó, các chuyên gia bảo hiểm khuyên bạn nên đóng phí và theo dõi hợp đồng bảo hiểm qua ứng dụng. Hoặc có thể hãy chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của công ty. Nếu sai cú pháp thì hãy báo ngay tới các tư vấn viên hoặc gọi điện lên hotline của công ty để kiểm tra.

Đồng thời bạn nên hạn chế đưa tiền mặt cho người tư vấn. Nếu buộc phải đưa thì hãy yêu cầu người tư vấn cung cấp liên phiếu thu có dấu treo của công ty bảo hiểm để đảm bảo tính pháp lý.

Bên cạnh đó, người mua nên dừng ngay kí hợp đồng nếu phát hiện những điều sau từ tư vấn viên:

Thứ nhất, nếu tư vấn viên yêu cầu bạn kí hợp đồng ngay lập tức với gói bảo hiểm giá trị vượt quá kế hoạch tài chính thì nên cân nhắc lại. Bởi phí đóng sẽ trở thành gánh nặng tài chính trong tương lai. Nó cũng có nghĩa là tư vấn viên chỉ muốn bán cho bạn một sản phẩm cụ thể mà không quan tâm đến nhu cầu thực tế và sức khỏe tài chính của người mua.

Thứ hai, tư vấn viên không giải thích rõ ràng về hợp đồng bảo hiểm hoặc không trả lời những thắc mắc của bạn thì đó là tín hiệu đáng ngờ. Họ có khả năng nghỉ việc và bạn sẽ rơi vào cảnh “mồ côi hợp đồng”. 

Thứ ba, nếu tư vấn viên yêu cầu đóng phí trước vào tài khoản không phải của công ty, trong khi bạn chưa kí hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thì nên cẩn trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn