MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nạn nhân của app cho vay nặng lãi phản ánh đến báo Lao Động tại TPHCM. Ảnh: Huân Cao.

Có ngăn được app cho vay nặng lãi lấy thông tin để bôi xấu gây áp lực?

Thế Lâm LDO | 29/05/2020 14:27

Tình trạng nhiều người vay tiền qua app sau đó bị các app cho vay nặng lãi sử dụng thông tin, hình ảnh cá nhân của họ tung lên Facebook, Zalo và gửi cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp… bôi xấu để gây áp lực trả nợ đang diễn ra khá phổ biến. Đây là hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác bị pháp luật nghiêm cấm.

Gây áp lực trả nợ và bán nợ

Chủ tịch một công ty công nghệ đã gửi cho chúng tôi hình chụp lại đoạn chat trên một group Facebook, trong đó cho thấy bên đòi nợ dùng những lời lẽ rất giang hồ, chợ búa. Đại loại như: “Nếu anh chị cố tình trì hoãn không trả tiền thì bên em sẽ nhờ gia đình giải quyết vấn đề của anh chị”, “cháu mày à, thế mai sau con mày nó tạo nghiệp chó cho nhà mày nha, tao cầu trời cầu phật con nhà mày nó đối xử không ra gì với con mẹ nó chăm vay lười trả”…

Không chỉ dùng lời lẽ để chửi bới, đe dọa, dùng hình ảnh trên mạng xã hội mà chúng thu thập được để bêu xấu con nợ. Trong nhiều trường hợp, các app cho vay nặng lãi còn ghép ảnh tục tĩu với hình ảnh của người chậm trả nợ và phát tán với mục đích gây khủng hoảng tinh thần buộc con nợ phải trả nợ.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) tại TPHCM, đối với những khoản nợ chậm trả, khó đòi, các app cho vay nặng lãi còn sử dụng chiêu thức “bán nợ” cho giới chuyên đòi nợ thuê, xã hội đen với mức giá chỉ bằng 30-50% số tiền nợ đang còn.

Đòi nợ bằng lời lẽ chợ búa, giang hồ. Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên, người vay những món nợ ban đầu từ vài triệu đến chừng chục triệu đồng, nhưng khi phải trả thì cộng thêm các khoản phạt trả chậm và lãi mẹ đẻ lãi con thì số nợ lên đến vài chục triệu đồng. Chính vì thế, việc kéo dài nợ càng diễn ra thì tình trạng “khủng bố tinh thần” con nợ càng lan tràn, nhức nhối.

Ngăn chặn app cho vay nặng lãi lấy thông tin cá nhân được không?

Theo chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, có hai cách các app cho vay nặng lãi lấy thông tin cá nhân và thông tin trên mạng xã hội của người vay.

Cách thứ nhất là các app biến việc người vay phải cung cấp các thông tin trên thành điều kiện cho vay. Người vay nếu không cung cấp các thông tin cá nhân, số điện thoại người thân, bạn bè và tài khoản facebook, Zalo có thể sẽ không được xét cho vay cho nên đành phải chấp nhận. Khi con nợ chậm trả nợ, chúng hoàn toàn dễ dàng sử dụng những thông tin này để bêu xấu, khủng bố tinh thần. Muốn tránh tình trạng này chỉ còn cách… không vay.

Cẩn trọng khi tải về máy các app cho vay online. Ảnh: Thế Lâm.

Cách thứ hai là các app cho vay nặng lãi sẽ cài phần mềm gián điệp ngầm thu thập thông tin. Trước khi vay người dùng điện thoại phải tải app về máy, trong đó app sẽ đưa ra những yêu cầu như phải cho phép truy cập vào danh bạ, tin nhắn, vị trí, những cuộc gọi đến và đi, dữ liệu truy cập Internet (gồm cả các ứng dụng mạng xã hội)… Nếu không đáp ứng những yêu cầu trên, người dùng không thể kích hoạt app để sử dụng.

Cũng có trường hợp, trong lần tải đầu tiên về máy, app chưa yêu cầu các quyền truy cập, giám sát tính năng thiết bị, dữ liệu trong máy và dữ liệu truy cập Internet. Nhưng với phiên bản cập nhật sau đó không lâu, app sẽ cập nhật thêm phần mềm gián điệp vào thiết bị mà người dùng không hề hay biết. Đây là trường hợp lấy cắp thông tin, dữ liệu ngầm.

Để tránh tình trạng này, theo ông Võ Đỗ Thắng, tốt nhất nên sử dụng một thiết bị gần như không có chứa thông tin, dữ liệu cá nhân hoặc chỉ có một vài thông tin không quan trọng để tránh bị app cho vay nặng lãi thu thập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn