MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cổ phần hoá doanh nghiệp ì ạch vì đất: Khi đất công thành đất...ông!

Cường Ngô LDO | 26/11/2020 09:05

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nhiều trường hợp cổ phần hoá vì có quỹ đất lớn, đặc biệt với những doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng.

Ì ạch cổ phần hóa vì... đất

Án ngữ tại khu đất vàng trung tâm quận Cầu Giấy, sát ngã tư đường Dương Đình Nghệ - Trung Kính – Phạm Văn Bạch, toà nhà thuộc dự án xây dựng Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem - Vincem Tower (Tổng Công ty xi măng Việt Nam làm chủ đầu tư) vẫn là khối bê tông sừng sững, đắp chiếu nhiều năm, có dấu hiệu xuống cấp.

Nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá vì đất. Trong ảnh là dự án Vicem Tower. Ảnh: Phan Anh

Lô đất này có diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và bốn tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, đã được Bộ Xây dựng đồng ý về chủ trương chuyển nhượng dự án trước khi Vincem cổ phần hoá (trong năm nay), nhưng đến thời điểm hiện tại, Vicem vẫn chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.

Đại diện Vicem cho Lao Động biết, việc CPH doanh nghiệp vẫn vướng mắc về mặt hồ sơ, thủ tục và sắp xếp nhà đất. Sắp xếp vào cổ phần hóa hay xử lý để cổ phần hóa.

“Theo Nghị định 67 yêu cầu sắp xếp nhà đất; tuy nhiên việc sắp xếp lại trong quá trình cổ phần hóa thì chúng tôi đang xin chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thực hiện cái nào trước", đại diện Vicem nói.

Trước đó, một loạt các doanh nghiệp cũng tiến hành cổ phần hoá nhưng lại vướng lùm lùm liên quan đất đai, khiến câu chuyện thoái vốn, cổ phần hóa "căng như dây đàn". Điển hình là câu chuyện ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).

Theo đó, từ tháng 4.2016, khi đơn vị này công bố Tổng công ty Vận tải thuỷ (Vivaso) - đơn vị duy nhất đăng ký mua VFS và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược.

Theo công bố này, giá tài sản đất đai không được tính vào định giá hãng phim; thương hiệu của hãng phim hơn 60 năm tuổi được tính bằng con số 0. Từ đây, đã có nhiều ý kiến phản đối và không đồng tình về tính minh bạch của quá trình chọn cổ đông chiến lược.

Ngay sau đó, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch làm việc với nhà đầu tư Vivaso để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Nhắm vào các doanh nghiệp CPH vì quỹ đất

Nêu quan điểm về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh phải thốt lên "rất chậm và kém hiệu quả". Theo ông, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đó vẫn xoay quanh câu chuyện đất đai.

Vị chuyên gia này dẫn ý kiến của một đại gia bất động sản (giấu tên) - họ thường nhắm vào các doanh nghiệp CPH có nhiều quỹ đất lớn, đặc biệt với những doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng.

“Đó là cách tiếp cận bất động sản rất thông minh mà họ đã làm trong 20 năm nay”, ông Ánh cũng nhận định, tới đây họ sẽ tiếp tục làm tại các vùng bên cạnh các thành phố lớn Hà Nội, TPHCM.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI cho biết, đối với giá trị của quyền sử dụng đất, theo quy định hiện thay, doanh nghiệp phải lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định CPH. Căn cứ phương án sử dụng đất đã phê duyệt thì mới xác định được giá trị quyền sử dụng đất, để tính giá trị doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình lập và xin phê duyệt phương án sử dụng đất còn gặp nhiều vướng mắc, chưa thống nhất được nội dung phương án với chính quyền địa phương.

Trong khi đó nhiều doanh nghiệp là đối tượng kiểm toán của KTNN chuyên ngành VI, như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) có số lượng đất đai rất lớn, trải dài trên nhiều địa bàn nên việc phê duyệt phương án sử dụng đất có thể bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xác định giá trị doanh nghiệp.

Ông Dương Quang Chính - Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước cho biết, đất đai là sở hữu nhà nước, giá trị lợi thế đất đai mang lại chính là tài sản nhà nước.

Do chưa có cơ chế để xử lý, từ việc quy định không rõ ràng này đã làm Nhà nước mất đi một khoản lợi ích không nhỏ từ đất đai và giá trị này được chuyển từ Nhà nước sang tư nhân. Chính vì vậy, rất cần kiểm toán vào cuộc để xác định giá trị thật sự của doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn