MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2018 sẽ là một năm sôi động của thị trường khi nhiều DNNN lớn sẽ được CPH. Ảnh minh họa.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2018: Sẽ là năm sôi động của thị trường

PV LDO | 17/02/2018 15:00

Năm 2018 được các chuyên gia đánh giá là năm sôi động của thị trường chứng khoán khi nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hóa (CPH). Trong số đó, có nhiều “ông lớn” được kỳ vọng sẽ mang lại những khoản thu hồi vốn khổng lồ cho Nhà nước.

Có thể kể tới nhiều “món hàng” hấp dẫn trong kế hoạch CPH DNNN sẽ diễn ra trong năm 2018 như Habeco, Vinamilk, Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PVoil, Tập đoàn Cao su…

Chỉ riêng 2 tháng đầu năm, hàng loạt các DN lớn đã tạo làn sóng thu hút đầu tư khá ấn tượng, đặc biệt là với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài như: TCty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) mới chỉ bán 20% cổ phần đã mang về cho nhà nước về gần 7.000 tỷ đồng. Có thể thấy, nguồn cung cho thị trường IPO năm nay khá dồi dào và đa dạng sẽ là nguồn động lực tốt để tin tưởng rằng các chính sách thúc đẩy nền kinh tế sẽ đạt được kỳ vọng như đã đề ra.

Khác với thời kỳ trước công tác CPH gặp nhiều vướng mắc do vấn đề về cơ chế và pháp lý. Hiện nay, những vấn đề đó đã dần được tháo gỡ và bước đầu tạo ra hành lang pháp lý khá tốt.

Năm 2017, có 69 DNNN được phê duyệt phương án CPH, tổng vốn điều lệ 161.985 tỉ đồng. Tới nay, có 21/69 DNNN thực hiện IPO, thu về hơn 5.192 tỉ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Tài chính DN (Bộ Tài chính) nhận định: “Hành lang pháp lý cho CPH đã cơ bản đầy đủ, toàn diện, từ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN tới các hướng dẫn đều đã được ban hành. Cùng đó, Nghị định 126/2017 của Chính phủ đã công khai danh sách, tiến độ CPH DNNN trong thời gian tới và các quy định về thủ tục, kỹ thuật cũng được chuẩn hóa, đảm bảo nguyên tắc thị trường, minh bạch”.

Nếu như trước đây, vấn đề bất động sản của các DNNN khi CPH gặp phải nhiều vướng mắc nhất, bởi nhiều đơn vị khi CPH, tài sản về thương hiệu, máy móc giá trị rất thấp, các NĐT khi tham gia đều chỉ quan tâm tới giá trị bất động sản nằm trên những khu vực “địa chỉ vàng” để nhăm nhe chiếm đất thì nay hiện tượng đó khó mà có thể thực hiện dễ dàng như vậy.

Đồng thời, quy định mới tạo điều kiện cũng cho phép DNNN khi CPH có thể thực hiện thuê tư vấn nước ngoài để tăng tính công khai, minh bạch hơn… Nhiều quy định khác về trách nhiệm, thanh kiểm tra, giám sát cũng được tăng cường rõ ràng và hiệu quả hơn.

Điểm sáng của việc công khai, minh bạch có thể nhận thấy rõ nhất là việc Chính phủ thực hiện công khai danh sách các đơn vị sẽ thực hiện CPH với từng thông tin rất cơ bản như tỉ lệ CPH, lộ trình CPH... để các NĐT có thời gian nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá để tham gia một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn tiền sau CPH cũng được khẳng định rất rõ ràng rằng không dùng vào các công việc như chi thường xuyên mà sẽ được đầu tư phát triển, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế và tăng niềm tin cho thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn