MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cty Hacinco cổ phần hóa 12 năm chưa xong. Ảnh: PV

Cổ phần hóa “treo” 12 năm tại Hacinco: Khiếu kiện kéo dài và vượt cấp thì bao giờ cổ phần hóa kết thúc?

Thông Chí LDO | 28/07/2017 18:45
Thời gian gần đây, Báo Lao Động đã đăng tải các bài viết về cổ phần hóa "treo" tại Cty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) gây thiệt hại cho người lao động. 12 năm chờ đợi, người lao động mong mỏi thực hiện cổ phần hóa (CPH) Hacinco theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho mình cũng như các nhà đầu tư khác.

Một đề nghị có hai nội dung vi phạm quy định pháp luật

CPH Hacinco kéo dài từ năm 2005 đến nay là hơn 12 năm chỉ vì những khiếu kiện triền miên của nhóm nhà đầu tư do bà Nguyễn Thị Chi làm đại diện. Câu chuyện CPH Hacinco trở nên phức tạp và rối rắm ngay sau cuộc họp hội đồng quản trị “dang dở” với những phiếu trống của các đại diện nhóm nhà đầu tư trên, khi họ không nắm giữ được vị trí chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc.

Tháng 12.2005, bà Chi có đơn gửi Sở Tài chính đề nghị “tạm dừng việc giải ngân tiền bán cổ phiếu của Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội tại Trung tâm giao dịch chứng khoán, đến thời điểm Công ty thực hiện xong việc kiểm toán, quyết toán tài chính đến hết thời điểm 30.12.2005 và làm rõ các vấn đề liên quan đến tài chính”.

Theo nhiều ý kiến từ các luật sư, chuyên gia pháp lý, một đề nghị với hai nội dung vi phạm quy định pháp luật: Một là quy định tại Điểm 5.1 Mục B Phần V Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24.12.2004 “trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả đấu giá, cơ quan thực hiện đấu giá và nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn tất việc mua bán cổ phần và chuyển tiền mua cổ phần về tài khoản của doanh nghiệp cổ phần hóa”; hai là quy định tại Điểm 2.3 Mục B Phần II Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 14.12.2004 “Trong thời gian 30 ngày sau khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh gửi các cơ quan quản lý theo quy định của pháp luật về chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp”; vậy mà có thể được Chi cục Tài chính doanh nghiệp - Sở Tài chính chấp thuận, khiến quá trình CPH Hacinco “đứng khựng”.

Tiếp sau đó là các khiếu nại để loại bỏ quyền lợi người lao động vì thiếu sót tính trùng năm công tác, vì chuyển nợ lương thành vốn góp do các khoản nợ lương phát sinh sau ngày xác định giá trị doanh nghiệp. Đúng hay sai cho các vấn đề này đều đã được Báo Lao Động tìm hiểu và phản ánh tại các bài viết trước, có một điều cần khẳng định rõ người lao động được hướng dẫn thực hiện và hoàn toàn không có lỗi.

Sự việc diễn ra hơn 12 năm, các cơ quan thanh tra đã vào cuộc, các cấp các ngành đưa ra kết luận mang tính giải quyết vấn đề như: Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 1.9.2009 của Thanh tra chính phủ “xem xét giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong việc cổ phần hóa tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, theo hướng gồm: Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty. Và, giữ nguyên vốn điều lệ theo Quyết định số 7867/QĐ-UB là 47.168.600.000 đồng; chuyển 397.100.000 đồng từ cơ cấu vốn cổ đông mua ưu đãi sang vốn cổ đông mua đấu giá (số lượng cổ phần ưu đãi đã bán cho cán bộ công nhân viên khi cổ phần hóa khách sạn HACINCO năm 1998); công nhận kết quả Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngày 2.12.2005 của công ty”.

Văn bản số 6561/VPCP-KNTN ngày 22.9.2009 thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng “Đồng ý các nội dung kiến nghị nêu trong kết luận thanh tra số 2125/KL-TTCP ngày 1.9.2009 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại Hà Nội”;

Thông báo số 514-TB/TU ngày 30.12.2016 của Thường trực Thành ủy Hà Nội “Đồng ý Phương án 3 theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND Thánh phố tại Báo cáo số 484-BC/BCS ngày 15.12.2016. Ban cán sự đảng UBND Thành phố thực hiện nghiêm túc Kết luận số 2125/KL-TTCP ngày 1.9.2009 của Thanh tra Chính phủ về việc thanh tra việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần tại Hà Nội; đã được Phó Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo tại văn bản số 6561/VPCP-KNTN về việc xử lý sau thanh tra”; Văn bản số 440/UBND-KT ngày 8.2.2017 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện chuyển Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội sang công ty cổ phần.

Thông báo 514-TB/TU và Văn bản số 440/UBND-KT đưa ra phương án giải quyết CPH Hacinco thấu tình đạt lý nhưng Nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện vẫn tiếp tục khiếu nại nhằm loại quyền sở hữu cổ phần của người lao động do tính trùng năm công tác và chuyển nợ thành vốn góp.

Tiến trình CPH tiếp tục kéo dài không biết đến bao giờ?

“Có lẽ họ (nhóm bà Chi) sẽ khiếu kiện đến khi đạt được mục đích chiếm giữ quyền chi phối Hacinco thì mới dừng lại. Vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ mà họ đã đẩy người lao động vướng vào “mớ bòng bong”, 12 năm trời không thể chạm tay được vào lợi ích nhỏ nhoi chính đáng của mình” - là ý kiến của phần lớn người lao động Hacinco bày tỏ. Cùng với đó là việc các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục tiếp nhận đơn thư khiếu nại vượt cấp của nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện dù đã được giải quyết tại cấp có thẩm quyền (Văn bản số 792/TTTP –P5 Ngày 20.3.2017 Thanh tra TP. Hà Nội) vô tình đã đẩy tiến trình CPH Hacinco tiếp tục kéo dài và không biết đến bao giờ có thể hoàn thành.

Bởi vậy, ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc Hacinco - mong muốn, kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 2125/KL-TTCP; chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đã nêu tại văn bản số 440/UBND – KT được nhanh chóng đưa vào thực thi. Theo ông Sỹ, hướng giải quyết theo 2 văn bản chỉ đạo trên sẽ giải quyết dứt điểm những tồn tại trong quá trình CPH Hacinco, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động; đồng thời để nhanh chóng hoàn tất quá trình CPH theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chi cục Tài chính Doanh nghiệp – Sở Tài chính cần giữ đúng vai trò được giao, không nên cứ “nghe ngóng” đơn thư của Nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện để thực hiện”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn