MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Văn Dân (64 tuổi, cựu cán bộ Hacinco) cho biết, đã tích cóp số tiền dành dụm mấy chục năm công tác để mua cổ phần Hacinco, đến nay gần cuối đời vẫn chưa nhận được cổ tức. Ảnh: Thông Chí

“Cổ phần hóa treo” tại Hacinco: Vì sao quyền sở hữu của người lao động chưa được thừa nhận?

Thông Chí LDO | 21/07/2017 10:00
Cống hiến, đóng góp gây dựng Cty Hacinco trong hơn 20 năm vậy mà người lao động “suýt” bị gạt bỏ hoàn toàn quyền lợi khi CPH Cty chỉ vì nhóm nhà đầu tư khiếu kiện “sai phạm tính trùng năm công tác”. Liệu “sai phạm chuyển nợ thành vốn góp” theo khiếu nại của nhóm nhà đầu tư do bà Nguyễn Thị Chi đại diện nêu ra có làm cho người lao động một lần nữa bị tước bỏ quyền lợi hay không?

Chuyển nợ lương thành vốn góp cổ phần dưới góc nhìn của pháp luật

PV Lao Động đã gặp và trao đổi với ông Nguyễn Chí Sỹ - nguyên Giám đốc Công ty Hacinco - người trực tiếp lãnh đạo Hacinco thời điểm đó để tìm hiểu vấn đề này.

Theo ông Sỹ chia sẻ, “khi bước vào CPH công ty Hacinco năm 2004 – 2005 cũng là thời điểm công ty phải đối mặt với vô vàn khó khăn về mặt tài chính. Vốn nhà nước tại công ty khi đó không đủ đáp ứng yêu cầu triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty đã phải liên tục xin nợ lương của anh em CBCNV để dồn nguồn lực duy trì hoạt động, chờ “cứu viện” tài chính từ việc phát hành cổ phiếu (CP) lần đầu.

Tuy nhiên, khi đó CPH thật sự quá mới mẻ, một phiên đấu giá bất thành luôn là nỗi lo thường trực của chúng tôi, chính vì vậy, một lần nữa ban lãnh đạo đã thuyết phục anh em CBCNV tham gia mua CP đấu giá của công ty để trở thành chủ sở hữu công ty, cùng chung tay vực công ty khỏi bờ vực phá sản.

Nhận được văn bản hướng dẫn của công ty Chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội là các đơn vị tư vấn CPH công ty và tổ chức IPO cho công ty về việc đồng ý cho chuyển nợ lương thành vốn góp, nhận được sự đề nghị và đồng thuận của CBCNV có nợ lương, sau khi hoàn thành việc đăng ký và tham gia mua CP, công ty đã thực hiện các thủ tục theo hướng dẫn để hoàn thành việc thanh toán bù trừ khi đăng ký mua CP công ty của CBCNV nợ lương”. Tại sao nhóm nhà đầu tư do bà Chi lại khăng khăng cho đây là một sai phạm nghiêm trọng để loại bỏ quyền sở hữu hợp pháp của người lao động?

Trao đổi với các chuyên gia pháp lý đối với vấn đề chuyển nợ thành vốn góp, PV Lao Động nhận được ý kiến như sau: “Điều 12 Nghị định số 187/2004/NĐ–CP quy định “Doanh nghiệp phải huy động các nguồn để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trước khi CPH hoặc thoả thuận với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần. Việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần được xác định thông qua kết quả đấu giá bán cổ phần hoặc do doanh nghiệp và chủ nợ thoả thuận để xác định giá tham gia đấu giá”. 

Tiết e, Điểm 1.3 Mục B phần II Thông tư số 126/2004/TT- BTC quy định “Việc chuyển nợ phải trả (bao gồm cả nợ phải trả người lao động) thành vốn góp cổ phần trong công ty cổ phần phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về quyền mua cổ phần lần đầu và quyền nắm giữ cổ phần chi phối của Nhà nước tại doanh nghiệp, giá cổ phần phải xác định thông qua đấu giá”.

Đồng thời, Hacinco đã nhận được các văn bản hướng dẫn và chấp thuận của Công ty Chứng khoản Bảo Việt và TTGD CK Hà Nội thì việc chuyển nợ lương thành vốn góp của CBCNV Hacinco là phù hợp.

Quyền sở hữu của người lao động chưa được thừa nhận, vì đâu?

Khiếu nại về sai phạm chuyển nợ thành vốn góp (trong đó có nợ lương) của nhóm nhà đầu tư do bà Nguyễn Thị Chi đại diện xoay quanh việc cho rằng khoản nợ lương chuyển thành vốn góp mua CP không hợp pháp do các khoản nợ lương phát sinh sau ngày xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc kiểm tra, xem xét và có kết luận số 2125/KL-TTCP trong đó đề xuất: “Chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán tiền mua cổ phần và công nhận kết quả bán cổ phần của công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội”.

Ngày 22.9.2009, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng có văn bản số 6561/VPCP-KNTN nêu rõ việc thống nhất với Kết luận số 2125/KL-TTCP.

Tuy nhiên, nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện vẫn không đồng thuận và tiếp tục khiếu kiện khiến hơn 12 năm mà những người lao động Hacinco – những người trong lúc nguy khó sẵn sàng chấp nhận việc nợ lương để chia sẻ cùng công ty, chấp nhận dùng số tiền lương ít ỏi đó để chuyển thành vốn góp với hi vọng tiếp tục góp xây dựng Hacinco -  không nhận được quyền sở hữu chính đáng của mình với Cổ phiếu mang tên công ty CP Hacinco.

Ông Dân (64 tuổi, cựu CB công ty Hacinco) bức xúc nói: “Phải chăng lợi ích nhóm quá lớn đã khiến nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện quên đi sự hi sinh, đóng góp của những người lao động như chúng tôi, gạt bỏ quyền lợi của chúng tôi để trở thành người giữ quyền chi phối công ty”.

Để giải quyết dứt điểm và hợp tình ngay lý, Ban Thường vụ Đảng ủy Hà Nội đã có Thông báo số 514-TB-TU thống nhất phương án CPH công ty Hacinco theo kết luận 2125/KL-TTCP ngày 1.9.2009 của Thanh tra Chính phủ và ngày 8.2.2017, UBND TP Hà Nội có Công văn số 440/UBND-KT với nội dung chỉ đạo triển khai thực hiện CPH tại Hacinco theo chỉ đạo tại văn bản số 514-TB-TU.

Phương án giải quyết đã rõ ràng và nhận được đồng thuận của toàn bộ các nhà đầu tư còn lại (trừ nhóm nhà đầu tư do bà Chi đại diện) tại hội nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu lần đầu của công ty Hacinco tổ chức vào tháng 2.2017 nhưng đến nay vẫn dường như “dậm chân tại chỗ” do nhóm bà Chi tiếp tục đơn thư khiến nại.

Ông Nguyễn Văn Bình (cán bộ về hưu, 72 tuổi) phẫn nộ bày tỏ “các cơ quan thanh tra đã vào cuộc, các cấp các ngành đưa ra hướng giải quyết nhưng nhóm nhà đầu tư vẫn khiếu kiện. Không hiểu họ còn khiếu kiện đến bao giờ? Sở TC còn chần chừ gì?”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn