MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường phố Hà Nội nhộn nhịp sau khi được nới lỏng giãn cách. Ảnh: Hoài Anh.

Cổ phiếu bán lẻ nào đáng "đồng tiền bát gạo" sau khi nới giãn cách?

Minh An LDO | 27/09/2021 16:11

Cổ phiếu bán lẻ, thực phẩm là hai ngành được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi và bứt phá mạnh sau khi giãn cách xã hội dần được nới lỏng từ 1.10.

Những ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9, thị trường chứng khoán được dự báo giằng co do đang ở trong “vùng trũng” thông tin khi đang chờ đợi các chỉ số vĩ mô quý III và 9 tháng được công bố, cũng như kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế từ Chính phủ, dự kiến từ 1.10.

Ngành bán lẻ chờ cơ hội bật tăng mạnh mẽ

Tháng 7 và tháng 8, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp bán lẻ giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi giãn cách khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa, chi phí đầu vào trong đó có chi phí vận chuyển tăng cao khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bị thu hẹp.

Đây là tín hiệu không mấy lạc quan tuy nhiên các chuyên gia phân tích của FiinGroup nhận định tình hình có thể được đảo ngược nếu COVID-19 sớm được kiểm soát. 

Các doanh nghiệp bán lẻ quy mô nhỏ hơn (bao gồm DGW, FRT, PET) ít bị ảnh hưởng bởi dịch nhờ tiếp tục đẩy mạnh phân phối bán buôn các sản phẩm công nghệ (laptop, điện thoại) hay thiết bị văn phòng và tận dụng được thị phần mà các cửa hàng máy tính/điện thoại nhỏ lẻ để lại do phải tạm đóng cửa vì giãn cách. Hơn nữa, DGW và PET cũng có biên EBITDA cải thiện trong quý II/2021. 

FiinGroup nhận định thông tin Việt Nam bắt đầu tự chủ động sản xuất vaccine COVID-19 (Sputnik V) mới đây cũng như nhu cầu về các sản phẩm công nghệ kết nối 5G đang gia tăng được kỳ vọng giúp lợi nhuận ngành bán lẻ sớm hồi phục.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu bán lẻ đã tăng khá mạnh, khoảng 54,3% từ đầu năm đến nay, khiến định giá chung cả ngành đã ở mức 18,6x, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình 3 năm 13,9x.

Kể từ thời điểm số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh ở TP HCM vào 1.7.2021, DGW đã tăng 58,1%, FRT +48%, PET +23,9%, PSD +55,1%. Riêng MWG, giá cổ phiếu tăng thấp hơn (+18,4%).

Hé mở các cổ phiếu thực phẩm tiềm năng

Theo dự phóng của FiinGroup, ngành thực phẩm có thể tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 24,5% cả năm 2021. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, ngành này đã đạt 48% kế hoạch lợi nhuận của năm 2021 và khả năng hoàn thành kế hoạch là hoàn toàn khả thi nhờ biên lợi nhuận cải thiện mạnh. 

Chỉ số giá cổ phiếu ngành thực phẩm tăng 6,6% từ đầu tháng 7 khi số ca lây nhiễm COVID-19 tăng đột biến.

Tính từ đầu năm 2021, giá cổ phiếu cả ngành mới tăng 11%, thấp hơn mức tăng của VN-Index (+22,6%).

Bộ ba cổ phiếu “họ Masan” gồm MSN, MML, MCH là đại diện tiêu biểu cho nhóm cổ phiếu thực phẩm. Trong đó MSN dự kiến lợi nhuận thuần quý III/2021 đạt 1,2 nghìn tỉ đồng (cùng kỳ lỗ 29 tyỉ đồng) với biên EBITDA tiếp tục cải thiện mạnh nhờ chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart đã đạt mức hòa vốn.

Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như QNS dự kiến đạt kết quản kinh doanh khả quan trong nửa cuối năm do không bị ảnh hưởng nhiều bởi gia tăng chi phí đầu vào (nguyên liệu, cước vận chuyển) nhờ chuyển phần lớn chi phí tăng sang người tiêu dùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn