MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể chọn cổ phiếu có vị thế tiền mặt ròng để ít rủi ro hơn các mã khác trong thời điểm không ổn định. Ảnh: Đức Mạnh

Cổ phiếu bán lẻ PNJ, VRE, MWG được dự báo sớm hút tiền

Đức Mạnh LDO | 16/12/2022 17:02

Các chuyên gia nhận thấy nhiều tiềm năng tại các cổ phiếu ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm nhu cầu tiêu dùng so với các công ty cùng ngành nhờ hoạt động kinh doanh với phân khúc hàng xa xỉ.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng tốt ở mức 25,3% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm 2022, phần lớn nhờ mức nền thấp của năm 2021. Nếu loại trừ yếu tố giá, doanh số bán lẻ hàng hóa tăng 16,8% so với cùng kỳ, cao hơn cả mức trước đại dịch. Nhờ Việt Nam đã nối lại các chuyến bay quốc tế từ quý I/2022, doanh thu từ du lịch đã tăng gấp đôi so với năm 2021 và phục hồi tới 78% so với mức trước đại dịch.

Kết quả kinh doanh quý III/2022 và 9 tháng đầu năm 2022 của ngành tiêu dùng và một số cổ phiếu tiêu biểu. Ảnh: VNDirect Research 

Tuy nhiên, Chứng khoán VNDirect nhận ra một số dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao trong bối cảnh lãi suất tăng và sự suy yếu của các ngành thâm dụng lao động như da giày, dệt may.... VNDirect dự báo tình trạng suy thoái này có thể kéo dài đến quý III/2023 khi lãi suất khả năng sẽ giảm và việc tăng lương tối thiểu sẽ tạo ra một động lực nhẹ cho tiêu dùng hàng hóa. Các nhà bán lẻ hoãn mở rộng để củng cố tài chính.

Theo VNDirect tìm hiểu, việc mở rộng kinh doanh của một số nhà bán lẻ lớn đang dừng lại hoặc giảm tốc trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế. Có thể kể ra như việc mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang của MWG đã bị trì hoãn kể từ quý III/22; số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh, Circle K cũng có mức giảm so với đầu năm cho thấy sự thận trọng của các chuỗi bán lẻ trước diễn biến thị trường hiện tại. Do đó, các công ty tiêu dùng niêm yết có xu hướng duy trì tình hình tài chính tốt hơn với đòn bẩy thấp và vị thế tiền mặt ròng.

Ngược lại, VNDirect kỳ vọng các công ty bán lẻ có các mảng kinh doanh với phân khúc cao cấp có thể gặp ít rủi ro hơn từ việc cắt giảm hầu bao.

"Dù vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi nhưng thị trường xa xỉ Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ sự gia tăng của tầng lớp người dân thu nhập cao ngày càng có nhu cầu lớn hơn đối với các mặt hàng xa xỉ. Thông thường, những tầng lớp giàu có thường là nhóm cuối cùng cảm nhận được tác động tiêu cực vào tiêu dùng do quy mô tài sản nắm giữ của họ thường rất lớn", chuyên gia lý giải.

D/E của các công ty tiêu dùng từ quý III/2021 - quý III/2022. Ảnh: VNDirect Research 

Trong thời gian tới, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư có thể chọn cổ phiếu có vị thế tiền mặt ròng để ít rủi ro hơn các cổ phiếu khác trong thời điểm không ổn định. Đặc biệt là các mã ít bị ảnh hưởng bởi suy giảm nhu cầu tiêu dùng so với các công ty cùng ngành nhờ hoạt động kinh doanh với phân khúc hàng xa xỉ.

Từ những quan điểm trên, VNDirect chỉ ra một số mã có thể hái ra tiền trong thời gian tới như PNJ, VRE, MWG...  Động lực xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng mạnh hơn dự phóng, tác động từ việc tăng tỉ giá và lãi suất thấp hơn dự phóng hay sự gián đoạn nguồn cung các sản phẩm Apple nhanh chóng được giải quyết.

Các chỉ số tài chính của một số mã cổ phiếu đầu ngành bán lẻ trong các năm từ 2022 - 2024. Ảnh: VNDirect Research 

Dù vậy nhưng rủi ro giảm giá đối với cổ phiếu nhóm ngành này là tiêu dùng Việt Nam suy thoái lâu hơn dự kiến do tác động kéo dài của suy thoái toàn cầu và những biến động vĩ mô của Việt Nam. Đồng thời, việc dự trữ quá nhiều hàng tồn kho đã lỗi thời khi nhu cầu đạt đỉnh trong đại dịch khiến chi phí thanh lý hàng tồn kho tăng lên.

Chi phí tài chính cao hơn dự kiến do lãi suất và tỉ giá hối đoái tăng; sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc kéo dài hơn dự kiến cũng sẽ là những yếu tố cần được cân nhắc. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn