MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cổ phiếu chiết khấu tốt, dòng tiền vẫn e dè chứng khoán

Đức Mạnh LDO | 25/04/2022 19:46
Dòng tiền không ủng hộ, lực cầu bắt đáy mất hút và áp lực bán giải chấp đã khiến VN-Index có cú giảm sốc nhất kể từ tháng 1/2021 đến nay. Tưởng chừng thị trường hồi phục nhưng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán hôm nay lại tiếp tục dò đáy mới.

Bán tống bán tháo, VN-Index giảm 68,31 điểm, tương đương 4,95%, xuống còn 1.310,92 điểm trong phiên hôm nay 25.4. Đã có lúc VN-Index giảm hơn 80 điểm, thủng vùng quan trọng 1.300 điểm. Kết phiên, số mã giảm cũng tạo nên kỷ lục của sàn HOSE với 443 mã giảm, trong đó có đến 181 mã giảm sàn.

Theo thống kê đến hiện tại, chỉ số chung đã có 19 lần giảm trên 6%, phần lớn đều rơi vào năm 2001 khi thị trường mới ở giai đoạn sơ khai, chưa hoàn thiện. Giảm trên 5% thì có 3 lần vào các phiên 12.3.2020 (giảm 5,19%), 27.7.2020 (giảm 5,31%) và 19.1.2021 (giảm 5,11%) từ khi COVID-19 xuất hiện.

Tính từ đầu tháng đến nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đã "bốc hơi" gần 840.000 tỉ đồng (khoảng 36,5 tỉ USD).

Phiên 25.4 chứng kiến 16 mã sàn và 14 mã giảm đã làm VN30 giảm sốc 77,93 điểm, tức 5,4% xuống thẳng 1.366,39 điểm. 4/10 cổ phiếu ghì chặt thị trường tới từ nhóm ngân hàng. Mở rộng ra top 20 cổ phiếu lấy điểm của chỉ số VN-Index còn có GVR, HPG, DIG, PLX, GEX, GEX chung màu xanh lơ.  

Thị trường đỏ rực với hàng loạt nhóm cổ phiếu bám sàn như cảng biển, bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thuỷ sản, phân bón và cả nhiều cổ phiếu trụ và bluechip như FPT, PNJ, SAB, BVH…

  Hình ảnh đầy đáng nhớ của thị trường chứng khoán trong phiên 25.4. Ảnh chụp màn hình

Áp lực bán giải chấp do tài khoản âm nặng cũng là yếu tố kéo thị trường đi xuống. Ông Võ Công Minh - Giám đốc kinh doanh Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán ACB giải thích: "Nguyên nhân chính khiến VN-Index có lúc mất 80 điểm là các công ty chứng khoán call margin khi chỉ số vừa đảo chiều từ tăng thành giảm, dẫn đến những nhà đầu tư tâm lý không vững vàng bán ra và tích tụ dần thành một làn sóng bán tháo ngay buổi chiều."

Bên cạnh đó, thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5 khiến nhà đầu tư sợ giải ngân vì thời gian vừa qua đều ghi nhận nhịp giảm sâu trước kỳ nghỉ lễ lớn. Tâm lý căng thẳng trước cuộc họp của Fed diễn ra đầu tháng 5 cũng vô hình chung ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investmentx cho rằng thị trường giảm điểm mạnh do tác động của thị trường chứng khoán thế giới. Cụ thể, thứ 6 vừa qua, chứng khoán Mỹ đã “bốc hơi” khoảng 1.000 điểm đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Theo ông Khánh, dòng tiền đầu tư đã rút dần ra khỏi kênh chứng khoán sau khi Chính phủ thực hiện  chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn bình thường mới và các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động.

Kể từ khi thử thách lại vùng đỉnh cũ 1.425 - 1.435 điểm vào đầu tháng 4/2022, VN-Index đã bước vào nhịp lao dốc mạnh và để mất gần 230 điểm chỉ trong vòng có hơn 3 tuần giao dịch.

"Diễn biến này đã khiến cho chỉ số phá vỡ các mức hỗ trợ trung hạn và hình thành xu hướng giảm điểm ngắn hạn. Dư địa giảm của VN-Index nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn với các vùng hỗ trợ 1,280-1,300 điểm và vùng 1.200-1.230 điểm", ông Trần Xuân Bách - Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.

Tuy nhiên, ông Bách cho rằng, sau một nhịp lao dốc mạnh, thị trường đang xuất hiện hiện tượng bán tháo quá đà. Điều này khiến cho tình trạng quá bán diễn ra trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Bên cạnh đó, việc khối ngoại trở lại mua ròng trong tháng 4 với giá trị xấp xỉ 3,3 nghìn tỉ đồng cũng phần nào cho thấy mặt bằng giá cổ phiếu Việt Nam bắt đầu trở về các mặt bằng định giá hấp dẫn.

Trên cơ sở đó, ông Bách kỳ vọng thị trường sẽ sớm cân bằng và bước vào nhịp hồi phục ngắn hạn khi tiếp cận các vùng hỗ trợ trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn