MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Luật sư cho rằng thời gian chôn vốn của các nhà đầu tư chưa thể xác định được rõ ràng. Ảnh: Đức Mạnh

Cổ phiếu FLC bị huỷ niêm yết, quyền lợi của nhà đầu tư thế nào?

Đức Mạnh LDO | 15/02/2023 08:37
Quyết định huỷ niêm yết đã được công bố, hành trình 12 năm trên sàn HOSE của FLC sắp đến hồi chấm dứt. Quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo thế nào?

Ngày 13.2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ký quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu FLC. Thời gian quyết định có hiệu lực là ngày 20.2.2023.

Như vậy hành trình 12 năm thăng trầm trên sàn HOSE của cổ phiếu FLC đã đến hồi kết thúc. Bởi mã này vốn đã bị đình chỉ giao dịch từ ngày 9.9.2022.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Lê Thu Hằng - Công ty Luật TAT Law Firm - cho biết khi cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về nguồn sở hữu đối với cổ phiếu. Doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.

"Gần 710 triệu cổ phiếu FLC bị HOSE hủy niêm yết này không làm thay đổi quyền lợi của nhà đầu tư với tư cách cổ đông của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, việc hủy niêm yết sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán, được hiểu như cổ phiếu bị "treo" không quy đổi được thành tiền mặt", luật sư giải thích.

Khi cổ phiếu mà nhà đầu tư mua bị hủy niêm yết thì vẫn có thể giữ được giá trị. Pháp luật quy định các công ty có cổ phiếu bị hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM để đảm bảo cổ phiếu vẫn có thể được mua bán như mong muốn của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu còn đạt mức cao hay giữ được thanh khoản hay không lại là một câu chuyện khác. Bởi việc bị hủy niêm yết chứng tỏ cổ phiếu của tổ chức phát hành không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe để có thể giao dịch trên sàn chứng khoán. Uy tín vì thế bị giảm sút dẫn đến khó mua đi bán lại.

  Diễn biến của cổ phiếu FLC. Ảnh: Fireant

Theo bà Thu Hằng, để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi cổ phiếu huỷ niêm yết, bản thân doanh nghiệp phải mua lại số cổ phiếu này bằng tiền của mình hoặc bằng cách bán tài sản gồm máy móc, nhà xưởng, bất động sản... Nếu không, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu công ty chuyển cổ phiếu lên UPCOM để giao dịch. Khi ấy nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu tại đây và hình thức này gọi là huỷ niêm yết chuyển sàn.

Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào thị trường và quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép các cổ phiếu trên được hoạt động bình thường.

Luật sư lưu ý: "Thời gian chôn vốn của các nhà đầu tư chưa thể xác định được rõ ràng. Các cổ phiếu từng bị huỷ niêm yết cũng như cổ phiếu của FLC không phải là ngoại lệ".

Bà Hằng khuyên các nhà đầu tư nên chú ý và liên tục cập nhật các thông tin về cổ phiếu và doanh nghiệp. Nhờ đó có thể dễ dàng nhận ra các dấu hiệu có vấn đề của công ty. Khi nhận thấy cổ phiếu có khả năng bị huỷ do lỗi từ phía công ty thì nên bán ngay tại thời điểm tình hình kinh doanh không tốt.

Đối với cổ phiếu không được niêm yết trên sàn chứng khoán dù là UPCOM thì nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng. Họ sẽ được đảm bảo về nguồn sở hữu với chứng khoán, bởi cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng không phải huỷ giá trị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn