MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ phiếu Hanoimilk sẽ rời sàn HNX từ ngày 12.6. Ảnh: Lê Toàn

Cổ phiếu Hanoimilk “chia tay” cuộc chơi

Gia Miêu LDO | 20/05/2020 10:36
Sau 3 năm liên tiếp chậm nộp Báo cáo tài chính có kiểm toán, cổ phiếu của Hanoimilk sẽ chính thức bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội huỷ niêm yết từ ngày 12.6.

Theo thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 20 triệu cổ phiếu HNM của Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) sẽ bị huỷ niêm yết từ ngày 12.6.2020, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 11.6.2020. Lý do mà HNX đưa ra là do Hanoimilk vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019. 

Do đó cổ phiếu HNM rơi vào trường hợp huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 60  Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chứng khoán. Trước yêu cầu giải trình của HNX, phía HNM vẫn chưa công bố giải trình. Do đó, HNX quyết định hủy niêm yết cổ phiếu HNM.

Được thành lập từ năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm, Hanoimilk từng là một trong những "thế mạnh” của ngành sữa Việt Nam. Giai đoạn 2006-2007 được xem là thời hoàng kim khi dòng sản phẩm IZZI của Hanoimilk, hướng vào nhóm khách hàng là trẻ em 3-12 tuổi, chiếm lĩnh thị trường nội địa. 

Sau giai đoạn thành công với thương hiệu IZZI, Hanoimilk còn tính đến việc đa dạng danh mục sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu lớn trong và ngoài nước ở dòng sữa bột, sữa đặc có đường và nước ép trái cây. Ban lãnh đạo công ty không giấu tham vọng trở thành một trong ba doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam và là công ty số một về các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

Tuy nhiên, "sự cố melamine" năm 2008, những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả và kế hoạch ra đời hàng loạt thương hiệu mới nhưng không vượt qua được cái bóng của IZZI đã khiến kết quả kinh doanh của Hanoimilk trồi sụt những năm sau đó.

Lần gần nhất Hanoimilk công bố báo cáo kiểm toán là quý 2/2018, nhưng khi đó, hơn một nửa tài sản công ty bị nghi ngờ về tính hiện hữu, khả năng thu hồi. Theo đơn vị kiểm toán, hơn 100 tỉ đồng Hanoimilk trả trước cho người bán và tạm ứng cho nhân viên đã nghỉ việc không thể thu được bằng chứng xác định khả năng thu hồi, hơn 165 tỉ đồng hàng tồn kho cũng bị nghi ngờ về tính xác thực. 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 tổ chức vào tháng 7.2019, lãnh đạo Hanoimilk giải thích rằng, việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 11.2018 do Công ty chưa thống nhất với đơn vị kiểm toán về việc trích lập thêm các khoản chi phí.

Công ty sẽ cố gắng xử lý trong thời gian sớm nhất. Nhưng cho đến nay, công ty vẫn không có chuyển biến gì. Trước khi bị tạm ngừng giao dịch, cổ phiếu HNM được giao dịch trên thị trường với giá 4.500 đồng/cổ phiếu và thường xuyên không có thanh khoản. Kinh doanh sa sút, kém hiệu quả, áp lực nợ phải trả đang đè nặng lên Hanoimilk. Tại thời điểm cuối tháng 6.2019, nợ phải trả của Công ty là 326 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 185 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn