MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cổ phiếu năng lượng tái tạo tâm điểm đón sóng nhờ Quy hoạch điện VIII

Đức Mạnh LDO | 18/05/2023 15:44
Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh trọng tâm dịch chuyển ưu tiên vào năng lượng tái tạo và hạn chế, giảm dần sử dụng điện từ than đá. Trong đó khuyến khích năng lượng gió, đặc biệt là gió biển mạnh hơn trong giai đoạn 2030 - 2050.

Điện gió sẽ tăng tỉ trọng 13% sau 8 năm

Quy hoạch điện VIII đưa ra chính sách ưu tiên phát triển khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Công suất điện tái tạo sẽ được kiểm soát nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế của các dự án điện tái tạo, sự ổn định của mạng lưới và hệ thống điện năng. Hầu hết các dự án điện tái tạo nằm ở miền Nam. Đây là khu vực có hệ thống truyền tải yếu và không đủ công suất dự trữ để hấp thụ toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện tái tạo.

Theo thống kê từ FIDT, năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) sẽ chiếm khoảng 30,9 - 39,2% điện năng sản xuất vào năm 2030 và khoảng 67,5 - 71,5% vào năm 2050. Do đó đây sẽ là nhóm ngành hưởng lợi nhiều nhất và lâu dài trong ngành điện. Điểm nhấn cho sự phát triển năng lượng tái tạo là 2 nhóm điện gió và điện mặt trời.

Cụ thể, điện gió sẽ chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn 2023 - 2050, đặc biệt sau năm 2030. Dự kiến điện gió sẽ chiếm khoảng 18% tổng công suất hệ thống trong năm 2030 và tăng lên tỉ trọng cao nhất 27 - 29% vào 2050. Điện gió sẽ là lĩnh vực hấp dẫn trong đầu tư ngành điện khi có định hướng rõ từ Chính phủ và chi phí đầu tư giảm. Tiềm năng và các ưu đãi nhận được sẽ giúp điện gió mở rộng thị phần và hưởng lợi rõ rệt.

Điện mặt trời đã phát triển ồ ạt trong giai đoạn 2011 - 2020 nên trong giai đoạn từ nay đến 2030, nhóm điện này bị hạn chế sản xuất theo Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 2030, điện mặt trời sẽ được đẩy mạnh để mở rộng trở lại và dự kiến sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất đến năm 2050 (33,0 - 33,4%).

Do đó, giới chuyên gia tin rằng những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong việc phát triển và vận hành các dự án năng lượng tái tạo sẽ có lợi thế trong việc đầu thầu nhờ quản lí hiệu quả, tiết kiếm chi phí qua huy động được các nguồn vốn lớn với chi phí rẻ.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta cũng cho rằng, Quy hoạch điện VIII là văn bản pháp lí quan trọng giúp các chủ đầu tư các dự án điện gió đẩy nhanh tiến độ các dự án. Quy hoạch điện VIII được ban hành sau rất nhiều lần dự thảo sẽ có tác động tích cực tới các chủ đầu tư có kinh nghiệm phát triển các dự án năng lượng tái tạo như BCG, PC1, HDG, REE, GEG.

Quy hoạch điện VIII đưa ra chính sách ưu tiên phát triển khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Ảnh: JICA 

Niềm vui không dành cho tất cả

Hiện tại trong 3 tháng đầu năm, nhiệt điện than được huy động nhiều nhất khi chiếm 45,3% sản lượng toàn ngành điện. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII đã đưa ra lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, phù hợp với cam kết của Việt Nam giảm mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Với tỉ trọng đang cao trong cơ cấu sản lượng ở hiện tại, kết hợp việc hưởng lợi từ yếu tố thời tiết khi pha El Nino bùng nổ vượt trội trong thời gian sắp tới, chuyên gia của FIDT vẫn cho rằng, điện than là nhóm ngành hưởng lợi lớn và duy trì đà tăng trưởng tốt. Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phát triển điện than và điện khí để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế đến 2030.

Còn chuyên gia của Chứng khoán KB nhận thấy mặc dù trong ngắn hạn, điện than vẫn sẽ chiếm tỉ trọng chính trong cơ cấu nguồn phát nhưng trong dài hạn triển vọng sẽ bị ảnh hưởng do không còn được phát triển và vấp phải sự cạnh tranh của nhiều nhóm nguồn phát khác.

Tuy nhiên vẫn cần lưu ý rằng, Quy hoạch điện VIII có lộ trình khá dài khi bắt đầu triển khai và đẩy mạnh từ năm 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050. Do đó sẽ chưa thể có những tác động ngay trong ngắn hạn với các cổ phiếu trên sàn chứng khoán.    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn