MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại sau khi giảm nhẹ vào cuối tuần trước. Ảnh: Vũ Long

Cổ phiếu ngành gạo trước bão tăng giá

Đức Mạnh LDO | 25/08/2023 09:06

Giá gạo tăng cao trong thời gian gần đây đã thúc đẩy kỳ vọng của nhà đầu tư chứng khoán về nhóm ngành này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, chỉ nên tập trung những cổ phiếu gạo bao tiêu từ sản xuất đến xuất khẩu.

Giá gạo toàn cầu có thể lên cao hơn nữa

Tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo toàn cầu vừa qua xuất phát từ việc sản lượng lúa gạo tại nhiều quốc gia giảm đáng kể dưới tác động của hình thái thời tiết cực đoan. Các nước này vì thế phải hạn chế xuất khẩu hoặc gia tăng nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.

Hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự báo giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ duy trì quanh mức cao hiện nay cho đến năm 2024 trong bối cảnh thị trường thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Tổ chức này nhận định, thị trường gạo thế giới sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong niên vụ 2023 - 2024 khi sản lượng gạo tại nhiều nước phục hồi.

Dự báo tổng sản lượng gạo niên vụ 2023 - 2024 sẽ tăng 2,5% so với niên vụ 2022 - 2023 với động lực chính đến từ Ấn Độ.

Chiều trong nước, sau gần 1 tháng Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 105 USD/tấn còn gạo 25% tấm tăng lên mức 110 USD/tấn. Đây là mức giá xuất khẩu cao kỷ lục của Việt Nam trong khoảng 10 năm qua.

Theo chiều diễn biến của giá gạo, giá cổ phiếu ngành này cũng có những tín hiệu khởi sắc. Tính từ tuần cuối tháng 7 đến nay, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã bứt phá gần gấp 3 lần lên 26.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời có thêm hơn 7%. Nhiều mã khác cũng bật mạnh sau thông tin về Ấn Độ trước khi điều chỉnh theo nhịp của thị trường chung trong những phiên gần đây.

Nên đầu tư cổ phiếu ngành gạo theo thông tin

Nhiều nhà đầu tư chứng khoán phân vân liệu có nên đầu tư vào nhóm cổ phiếu này dù định giá tăng dần.

Trao đổi với Lao Động, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu tại FiinGroup - cho biết, riêng nhóm ngành gạo, nên đầu tư theo thông tin chứ không cần quá quan tâm đến mức định giá. Nhà đầu tư cần tìm hiểu thêm nhiều thông tin khác về doanh nghiệp như lượng hàng tồn kho về gạo để biết họ có thực sự hưởng lợi từ giá gạo tăng lên hay không.

Ngoài ra, cũng cần thống kê về diện tích trồng, sản lượng bán hàng, cơ cấu về gạo chiếm bao nhiêu % tổng doanh thu của doanh nghiệp đó.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích tại CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam - ngành gạo chia làm hai nhóm. Một là bao tiêu từ đầu đến cuối, vừa là sản xuất vừa phân phối. Nhóm thứ hai chỉ làm thương mại, tức nhập của nông dân và xuất khẩu.

"Nhóm thương mại có rủi ro cao vì biên lợi nhuận mỏng, tỉ lệ đòn bẩy tài chính lớn nên khi giá gạo tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo quan điểm của tôi nên tránh những cổ phiếu trong lĩnh vực thương mại gạo vì độ rủi ro khá cao, nhưng tính đầu cơ là có.

Nhóm doanh nghiệp bao tiêu từ đầu đến cuối có chỉ số ROE tốt hơn. Trong đó, có cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời đạt được tiêu chí này với ROE cùng hiệu suất tốt hơn so với trung bình ngành. Tuy nhiên, gạo thuộc nhóm ngành nông nghiệp có độ rủi ro cao trong góc nhìn của các quỹ đầu tư, trừ một số quỹ hoạt động theo hình thức xã hội, tài trợ vốn.

Hầu như các quỹ đều né cổ phiếu ngành nông nghiệp vì rủi ro về thời tiết không thể dự báo cũng như biến động lớn trong giá thành đầu vào. Nhóm ngành này khó có triển vọng ổn định, thay vào đó nhà đầu tư nên đầu tư theo câu chuyện. Để giảm thiểu rủi ro, chúng ta nên tập trung những cổ phiếu gạo bao tiêu từ sản xuất đến xuất khẩu" - ông Minh đánh giá.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn