MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy Tuabin khí chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2. Ảnh minh họa: LĐO

Cổ phiếu NT2: Triển vọng kém khả quan

Minh An LDO | 04/04/2021 14:51

Công ty Cổ phần Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE:NT2) mới đây đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2021 giảm đáng kể (26,1%) so với năm 2020. Sản lượng điện hợp đồng thấp, giá khí cao ăn mòn lợi nhuận là những trở ngại lớn nhất của NT2 trong năm nay.

NT2 là công ty con của POW với 59% sở hữu, vận hành nhà máy điện hiện đại chạy bằng khí đốt có công suất đạt 750MW tại miền Nam Việt Nam, nơi có nhu cầu tiêu thụ điện cao. NT2 đã ký hợp đồng cung cấp khí đốt 25 năm với PV GAS vào năm 2010 và hợp đồng mua bán điện 10 năm (PPA) với EVN vào năm 2012.

Năm 2021, NT2 đặt mục tiêu doanh thu tăng 26,4% YoY, đạt 7,7 nghìn tỉ đồng, với sản lượng đầu ra đạt 4,6 tỉ kWh (+16% YoY). Tuy nhiên, NT2 đặt mục tiêu lãi sau thuế chỉ đạt 462 tỉ đồng, tương ứng với mức giảm đáng kể 26,1% YoY.

NT2 dự kiến chia cổ tức tiền mặt năm 2021E với tỉ lệ 15% mệnh giá (1.500 đồng/cổ phiếu), tương ứng với tỉ suất cổ tức là 6,6% và tỉ lệ chi trả kỳ vọng là 94%.

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, sản lượng điện hợp đồng thấp hơn, giá khí tự nhiên cao hơn sẽ gây tác động tiêu cực đến lợi nhuận của NT2. NT2 có thể đã được phân bổ 3,3 tỉ kWh sản lượng điện theo hợp đồng trong năm 2021, thấp hơn khoảng 11% so với năm 2020.

Xem xét kết quả kinh doanh năm 2020 của NT2, lãi sau thuế giảm 17,1% còn 625 tỉ đồng, phần lớn là do sự sụt giảm 20,5% trong doanh thu, còn 6.082 tỉ đồng.

Yuanta Việt Nam nhận định sự tăng trưởng mạnh mẽ của điện mặt trời vào năm ngoái sẽ được tiếp nối bởi sự tăng trưởng của điện gió vào những tháng tiếp theo do chính sách khuyến khích đối với điện gió có hiệu lực đến cuối tháng 10.2021. Điều này dẫn đến nguồn cung điện sẽ còn tăng trong năm 2022. Nguồn cung tăng sẽ gây áp lực, khiến giá trong thị trường phát điện cạnh tranh giảm, ít nhất là trong ngắn hạn.

Theo Bộ Công Thương, công suất lắp đặt điện của toàn hệ thống điện Việt Nam tăng 19% YoY trong năm 2020, đạt 66.000 MW. Chủ yếu đến từ điện mặt trời, hầu hết đã đưa vào vận hành vào cuối năm 2020. Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời tăng 92% YoY, đạt 16.500MW.

Trong khi đó, sản lượng điện thương phẩm chỉ tăng 3,4% YoY vào năm 2020. Do đó, đến cuối năm 2020, điện mặt trời chiếm 25% trong tổng công suất lắp đặt điện nhờ vào các chính sách khuyến khích của Chính phủ (Quyết định 13/2020/QĐ-TTg). Tỉ trọng này cao hơn rất nhiều so với mức tỉ trọng mục tiêu được đặt ra cho năm 2020 là 10% theo Quy hoạch điện VII (đã sửa đổi) - RPDP7.

Với những triển vọng kém khả quan nói trên, Yuanta Việt Nam khuyến nghị bán đối với NT2.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn