MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bức tranh xuất khẩu thủy sản khó có thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm. Ảnh: Thu Giang

Cổ phiếu thuỷ sản giảm sốc trong tuần, triển vọng ngắn hạn vẫn kém sáng

Đức Mạnh LDO | 03/02/2023 20:38

Cổ phiếu thuỷ sản ghi nhận tuần rung lắc mạnh trước bối cảnh dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp âm trong năm 2023.

Kết phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần, nhóm thuỷ sản vẫn không thoát khỏi sắc đỏ. Cụ thể, VHC lao đốc 2,30% xuống 68.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức giảm sâu nhất 5 tuần qua. ANV tụt lùi 6,11% còn 29.200 đồng/cổ phiếu. Diễn biến xấu nhất là IDI "bốc hơi" 10,98% trong tuần xuống thẳng 11.750 đồng/cổ phiếu. Khối lượng cũng tăng lên hơn 28,7 triệu đơn vị.

Đáng chú ý có CMX đã kịp tăng tốc trong phiên thứ 6 để chỉ còn giảm nhẹ 0,46% trong tuần qua. Phiên cuối tuần cũng ghi nhận khối lượng tăng mạnh lên lên hơn 1,3 triệu cổ phiếu khớp lệnh, tương đương gần 11,7 tỉ đồng.

  Diễn biến của giá cổ phiếu thuỷ sản. Ảnh: VNDirect

Biến động kém khả quan của nhóm này trong tuần qua phần lớn do thông tin trong tháng 1.2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

Cụ thể theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khép lại tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chỉ đem về 600 triệu USD, giảm tới 31% so với cùng kỳ.

Trong đó, xuất khẩu tôm các loại đạt hơn 169 triệu USD (giảm 46% so với cùng kỳ năm trước); xuất khẩu cá tra cá tra là 107 triệu USD (giảm 50%); xuất khẩu cá ngừ được gần 60 triệu USD (giảm 32%). Một số loại thủy sản chủ lực khác vẫn tăng về giá trị xuất khẩu như kim ngạch các loại cá khác đạt 169 triệu USD (tăng 6%); xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt gần 66 triệu USD (tăng 4%)…

VASEP dự báo bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Nhóm phân tích của Chứng khoán KB cho rằng dù kỳ vọng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc gia tăng nhưng hàng tồn kho các nhà máy cũng dâng lên, sản lượng thu hoạch cao và giá cá nguyên liệu đang trong xu hướng giảm. Do đó việc Trung Quốc mở cửa cũng khó tạo ra đột biến cho cá tra Việt Nam.

Chứng khoán SSI dự báo giá bán thuỷ sản bình quân sẽ giảm 20 - 30% so với cùng kỳ trong năm 2023. Chi phí thức ăn thủy sản cũng sẽ giảm theo. Với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung sẽ không thiếu hụt đối với cả tôm và cá nguyên liệu. Qua đó giá nguyên liệu tôm và cá có thể giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023.

"Chúng tôi dự báo các công ty sẽ công bố mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong năm 2023. Với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao trong cả năm, chi phí tài chính tăng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tỉ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt là đối với những công ty có tỉ lệ đòn bẩy cao", chuyên gia SSI đánh giá.

Do lợi nhuận dự kiến sẽ giảm so với mức cơ sở cao của năm 2022, định giá có thể giảm xuống mức P/E thấp lịch sử của ngành là 4 lần cho đến quý III năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn