MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ phiếu ngân hàng chiếm hơn 1/3 tỉ trọng vốn hoá toàn thị trường chứng khoán. Ảnh: Đức Mạnh

Cổ phiếu vua đối mặt với lãi suất giảm và room tín dụng mới

Đức Mạnh LDO | 06/03/2023 09:33
Trước áp lực giảm lãi suất, chuyên gia đánh giá NIM của ngành ngân hàng sẽ không bị tác động đáng kể. Điều cần quan tâm là rủi ro suy giảm chất lượng nợ đang dần hiện hữu rõ nét.

Lãi suất giảm, NIM không phải vấn đề

Đồng thời, thông tin room tín dụng năm 2023 cũng tác động nhóm cổ phiếu ngân hàng. Giới đầu tư đang quan tâm những yếu tố trên sẽ tác động tới triển vọng của cổ phiếu "vua" ra sao, bởi  nhóm này chiếm tới hơn 1/3 tỉ trọng vốn hoá toàn thị trường.

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập CTCP FIDT - cho rằng, biên lãi ròng (NIM) của khối nhà băng trong năm 2023 sẽ bị tác động không đáng kể. Rủi ro đối với hoạt động của ngành ngân hàng hiện tại chủ yếu đến từ chất lượng nợ có nguy cơ suy giảm hơn là lo lắng về NIM.

"Kết quả kinh doanh quý IV/2022 tiết lộ tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết chưa tăng cao nhưng nợ nhóm 2 đang tăng nhanh đáng kể. Đây là dấu hiệu cho thấy, chất lượng nợ của ngành ngân hàng đang suy giảm và sẽ tiếp tục kém khả quan trong đầu năm 2023.

Do đó, áp lực trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu có thể là nguyên nhân khiến lợi nhuận ngành ngân hàng sắp tới trở nên xấu đi. Tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng có chất lượng nợ xấu thấp và dự phòng cao so với nhóm còn lại" - ông Tuấn đánh giá.

Đồng quan điểm, nhóm phân tích từ Chứng khoán Mirea Asset cũng dự báo xu hướng nợ xấu tăng nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2023. Về mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn.

Ngoài ra, giả định lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu. Khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư bất động sản có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ chủ đầu tư dành cho người mua nhà. Do đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.

Theo Mirea Asset, tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro khiến gián đoạn dòng tiền của các nhà đầu tư bất động sản, từ đó dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số chủ đầu tư do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.

Khó dùng hết room tín dụng được cấp mới

Xung quanh vấn đề room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng sơ bộ cho năm 2023 ước đạt 14 - 15%. Tương đương lượng vốn tăng thêm với nền kinh tế rơi vào khoảng 1,7 - 1,8 triệu tỉ đồng. Mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định, lành mạnh hóa hoạt động của ngành ngân hàng và kiểm soát tốt lạm phát dưới 4,5%.

Chuyên gia từ Mirea Asset kỳ vọng nguồn tín dụng mới này sẽ phần nào tăng thanh khoản của thị trường chung. Tuy nhiên, suy giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các ngân hàng thương mại cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỉ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao.

"Dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, chúng tôi dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10 - 12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước" - chuyên gia dự báo.

Tương tự, Chứng khoán Bảo Việt cũng nhận thấy với mặt bằng lãi suất cao, khu vực bất động sản gặp khó khăn và triển vọng kinh tế kém tích cực, tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 sẽ chỉ vào khoảng 13%.

Thông tin đáng chú ý tới thị trường chứng khoán trong tuần qua là sắp có một đợt giảm lãi suất lớn. Cụ thể, nhóm BIG4 sẽ giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng đơn vị tính từ ngày 27.2.2023 với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27.2.2023 với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn