MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong giai đoạn 2021-2025, có thể chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4% của Quốc hội, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát. Ảnh minh họa: Vũ Long

Có thể nới lạm phát trên 4% để ổn định kinh tế vĩ mô

Vũ Long LDO | 21/07/2021 16:31

Giá các loại nguyên liệu, lương thực, chi phí logistics trên thế giới tăng cao, dịch bệnh phức tạp... có thể gây áp lực lạm phát trong nước.

Giá hàng loạt mặt hàng tăng cao gây áp lực lên lạm phát

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong khi giá nguyên nhiên vật liệu, hàng hóa tăng cao tại nhiều quốc gia, kinh tế thế giới phục hồi nhanh, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến, trong khi nguồn cung chưa theo kịp nhu cầu, giá các mặt hàng gia tăng là hệ quả tất yếu. Hiện tại giá năng lượng, lương thực, kim loại và khoáng chất, đặc biệt là sắt, thép, chi phí logistics, vận chuyển quốc tế đều có tốc độ tăng cao.

Liên minh Châu Âu cho rằng, lạm phát có thể đạt đỉnh trong năm 2021 do giá năng lượng tăng và chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của các quốc gia trong khối.

Các tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều dự báo, nhu cầu dầu thô sẽ tăng cao trong nửa cuối năm nay.

Các nhà phân tích năng lượng dự báo, giá dầu thô có thể đạt mức 80 USD/thùng trong quý III/2021, khi giá dầu thô đã đạt mức 75USD/thùng trong một số phiên đầu tháng 7.2021; các chuyên gia kinh tế cũng dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng vào mùa hè năm 2022.

Giá lương thực trên toàn cầu cũng đã liên tục “leo thang” trong 6 tháng đầu năm và tốc độ tăng giá vẫn chưa dừng lại. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực trên thị trường thế giới trong tháng 5.2021 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9.2011; giá ngô tăng 88%; đậu tương tăng 73%; ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa tăng 38%...

Có nên "thả" lạm phát vượt mức 4% để tăng trưởng cao hơn?

Trong 3 năm qua, Quốc hội đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát dưới 4%. Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 luôn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát bình quân tăng 3,15%/năm, thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đề ra.

Giá nguyên liệu, lương thực tăng có thể gây áp lực lên lạm phát. Ảnh minh họa: Ngọc Hân

Trong giai đoạn 2016-2020 Chính phủ đặt lạm phát mục tiêu 4% là phù hợp để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng ở mức khá vì đây là giai đoạn kinh tế thế giới ổn định, thương mại toàn cầu và các chuỗi liên kết kinh tế không bị đứt gãy.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động từ tình hình thế giới như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu. Từ nay đến cuối năm, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương phải thực hiện giãn cách.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), lại nhận định khó có khả năng lạm phát cao trong năm 2021, bởi trong 6 tháng đầu năm, sự phục hồi kinh tế chủ yếu nhờ xuất khẩu tăng mạnh, cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu do tác động của dịch bệnh.

“Năm nay, do ảnh hưởng của COVID-19 nên cầu tiêu dùng yếu, CPI 6 tháng đầu năm mới tăng trung bình 1,47%. Với tốc độ tăng giá như hiện nay, lạm phát trung bình cả năm 2021 chỉ ở mức 2-2,5%” – TS Nguyễn Đức Độ nhận định.

Theo phân tích của TS Nguyễn Bích Lâm, để đưa nền kinh tế trở lại mức tăng của những năm trước đại dịch, đồng thời thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5%-7%, đòi hỏi phải thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, mở rộng, chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu 4% của Quốc hội, nhưng vẫn nằm trong ngưỡng kiểm phát.

"Đây là điều cần thực hiện trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều đánh đổi lạm phát mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết việc làm, đưa nền kinh tế trở lại bình thường của giai đoạn trước đại dịch” - TS Nguyễn Bích Lâm nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn