MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng Hải quan Long An kiểm tra thực tế một lô hàng nhập khẩu. Ảnh minh họa. Ảnh Anh Huy.

Còn bất cập, chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

Cao Nguyên LDO | 24/09/2020 18:59

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều.

Chiều 24.9, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã họp báo giới thiệu đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đề án được xây dựng theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 12-2019, vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.

Ông Cẩn cho biết, công tác kiểm tra chuyên ngành hiện nay vẫn còn một số tồn tại, bất cập, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh Cao Nguyên.

Vị lãnh đạo này nói thêm, trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất. Hiện nay, mỗi loại hình kiểm tra lại có trình tự, thủ tục khác nhau được quy định chi tiết tại các Luật chuyên ngành và các Nghị định hướng dẫn. Thực tế triển khai lại không thống nhất giữa các Bộ, ngành, không thống nhất giữa Luật và Nghị định hướng dẫn. Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức.

Cơ quan hải quan cũng đánh giá, tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất thấp. Cụ thể, tỉ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trong những năm qua đã có xu hướng giảm dần từ khoảng 30% năm 2015 xuống còn 19,1% năm 2019; Tỉ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm rất thấp: chỉ từ 0-0,03%.

Còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, nhiều mặt hàng vừa thuộc diện kiểm tra an toàn thực phẩm do Bộ Công Thương và Bộ Y tế quản lý, vừa thuộc diện phải kiểm dịch động vật/thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, và thuộc danh mục dược liệu do Bộ Y tế quản lý.

Với những tồn tại, bất cập hiện nay, ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong yếu tố chiếm tỉ trọng khá lớn cấu thành thời gian thông quan hàng hóa mà hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), từ đó dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.

Theo ông Cẩn, với đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra gồm kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm.

Đề án cũng đưa ra giải pháp đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra…

Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, qua đánh giá tác động, đề án sẽ giúp cắt giảm 86.166 tờ khai (khoảng 54,4%) kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong một năm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Về tác động chung của đề án đối với nền kinh tế, vị đại diện này nhấn mạnh, khi mô hình mới được triển khai sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra dẫn đến giảm thiểu chi phí thương mại do giảm yêu cầu về hàng tồn kho và vốn cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn. Theo đó, sẽ khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn