MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Con Cưng phải xin phép khách hàng nếu muốn gỡ treo thưởng 1 tỷ"

Phạm Dung LDO | 03/08/2018 14:00
Nhìn lại toàn bộ sự việc liên quan đến nghi vấn Con Cưng cắt mác, “gắn mác” ngoại, chuyên gia về truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng Con Cưng giải quyết khủng hoảng truyền thông vô cùng tệ và thể hiện rõ sự lúng túng.

Con Cưng phải xin phép khách hàng khi gỡ treo thưởng 1 tỷ

Ngày 1.8.2018, Công ty Cổ phần Con Cưng đã gửi giải trình đến Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Trình Văn Ngọc và các đơn vị liên quan cho biết đề xuất của công ty về giải thưởng 1 tỷ đồng chỉ nhằm mục đích duy nhất để làm người tiêu dùng yên tâm trong giai đoạn khủng hoảng của Con Cưng và công ty xin rút đề xuất về việc treo giải thưởng 01 tỷ nói trên.

Ông Nguyễn Ngọc Long, một chuyên gia về truyền thông xã hội tại Việt Nam đặt câu hỏi: “Lúc treo thưởng 1 tỷ, Con Cưng có xin phép bộ Công Thương không, mà lúc gỡ lại xin phép bộ Công Thương?

Ông Long cho rằng, người mà Con Cưng phải xin phép khi rút thông báo treo thưởng 1 tỉ phải là khách hàng.

Bởi thông báo này của Con Cưng là dành cho khách hàng, gửi đến khách hàng với thông điệp truyền tải là “chúng tôi khẳng định bán hàng chính hãng”. Việc Con Cưng chỉ giải trình với bộ Công thương và “âm thầm” gỡ thông báo khỏi website thể hiện điều trái ngược hoàn toàn với khẳng định bán hàng chính hãng trước đó.

 Chuyên gia truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long

“Tôi đã gọi 7 cuộc điện thoại sang Con Cưng để thông báo là tôi đã tìm ra hàng không chính hãng của đơn vị và tôi muốn có 1 tỷ, nhưng 7 cuộc điện thoại đều không ai nghe máy. Qua thử nghiệm vừa rồi, tôi đánh giá Con Cưng không công bằng và chân thành với khách hàng”, chuyên gia Ngọc Long nói.

Sai từ những ngày đầu

Chuyên gia Ngọc Long phân tích, việc xử lý khủng hoảng truyền thông của Con Cưng đã sai từ những ngày đầu tiên. Khi bị khách hàng phát hiện sản phẩm lỗi nhãn mác, Con Cưng cứ khăng khăng phân trần, đổ lỗi cho nhà sản xuất.

Dù Con Cưng là đơn vị phân phối sản phẩm, nhưng những sản phẩm của họ đều gắn mác CF và họ bán sản phẩm như đây là một thương hiệu Con Cưng.

“Con Cưng đổ lỗi cho nhà sản xuất là việc làm không trong sáng. Khách hàng chỉ biết rằng họ mua sản phẩm của Con Cưng. Còn việc Con Cưng phân phối sản phẩm của ai, lỗi như thế nào thì đó là việc của họ, không liên quan đến khách hàng. 

Với vai trò là đơn vị phân phối sản phẩm, Con Cưng phải lên tiếng xin lỗi khách hàng ngay khi sự việc xảy ra, thay vì đổi lỗi cho những người khác. Điều đó thể hiện sự chân thành, thiện chí mà Con Cưng gửi đến các thượng đế của mình"-  ông Long nhấn mạnh.

 Người tố cáo Con Cưng đã hoàn toàn biến mất khỏi câu chuyện. 

Chuyên gia Ngọc Long cũng cho biết, lẽ ra Con Cưng phải giải quyết khủng hoảng từ “tâm đám cháy”, chính là vị khách hàng tố cáo đơn vị này bán hàng cắt mác.

“Trong câu chuyện của Con Cưng cho đến thời điểm này, tôi thấy vị khách hàng này đã hoàn toàn biến mất. Đáng lý ra, Con Cưng phải xin lỗi và có câu trả lời thỏa đáng cho chính vị khách hàng tố cáo họ. Nếu làm như vậy, có lẽ khủng hoảng của Con Cưng đã không tiếp tục kéo dài đến như vậy”, chuyên gia này cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn