MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công bố kết luận thanh tra xăng dầu: Hàng loạt doanh nghiệp sai phạm

Cường Ngô LDO | 23/12/2022 06:51
Theo nguồn tin của Lao Động, Bộ Công Thương vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối.  Kết luận đã chỉ rõ loạt sai phạm của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua.

Chỉ rõ hàng loạt sai phạm của thương nhân xăng dầu

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, trong thời kỳ thanh tra, tồn tại một số thương nhân đầu mối báo cáo về kho chứa xăng dầu chưa đúng với thực tế. Cá biệt trong giai đoạn ngắn, có thương nhân thuê kho với sức chứa chưa đáp ứng theo quy định.

Một số kho xăng dầu của một số thương nhân đầu mối chưa thực hiện đầy đủ các quy định như chưa trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định tại khoản 6, điều 7 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Về hệ thống phân phối xăng dầu, kết luận thanh tra cho rằng, một số thương nhân đầu mối tại một số thời điểm chưa đảm bảo được hệ thống phân phối theo quy định tại Nghị định số 83 và Nghị định 95 (sửa đổi Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu.

Một số thương nhân có hành vi vi phạm hành chính "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định" trong năm 2021.

Có một số thương nhân đầu mối có thay đổi số lượng đại lý, thương nhân nhượng quyền, nhưng không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo đăng ký, đăng ký điều chỉnh hệ thống phân phối về Bộ Công Thương theo quy định tại Thông tư số 38 của Bộ này.

Theo đó, một số công ty đã có các hành vi vi phạm hành chính: "Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định".

Lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra và phát hiện cây xăng ở Vĩnh Long “có hàng nhưng không bán“. Ảnh: MOIT 

Tại thời điểm thanh tra, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc trong hệ thống cửa hàng xăng dầu của thương nhân đầu mối có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều bán lẻ xăng dầu đã hết giá trị và chưa được cấp lại giấy chứng nhận, song vẫn đăng ký trong hệ thống phân phối và tổ chức bán hàng.

Các công ty này đã có hành vi vi phạm hành chính "kinh doanh xăng dầu khi giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực" quy định tại điểm b, khoản 3, điều 20 Nghị định số 99 năm 2020 của Chính phủ

Còn tồn tại thương nhân đầu mối đồng ý cho một số thương nhân phân phối được sử dụng biểu tượng, nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của thương nhân đầu mối. Việc sử dụng này chưa được quy định về pháp lý trong kinh doanh xăng dầu điều chỉnh.

Tuy nhiên, việc thương nhân cho đơn vị không thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp sử dụng biểu tượng, nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại dễ gây hiểu nhầm trong việc nhận diện hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối.

Đối với báo cáo tồn kho xăng dầu tại ba miền, kết luận thanh tra chỉ rõ "một số thương nhân đầu mối chưa thực hiện báo cáo tồn kho xăng dầu tại ba miền".

Một số thương nhân đầu mối mua xăng dầu trong nước từ thương nhân phân phối - chưa thực hiện đúng quy định về quyền, nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu quy định tại Nghị định 83.

Các thương nhân phân phối bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp theo quy định. Hành vi bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định tại điểm a, khoản 4, điều 22 Nghị định số 99 năm 2020 của Chính phủ.

Không nhập khẩu xăng dầu trong quý I, II có thể thu hồi giấy phép

Về việc nhập khẩu xăng dầu, kết luận thanh tra chỉ rõ "còn tồn tại thương nhân đầu mối không hoạt động nhập khẩu xăng dầu trong quý I và quý II năm 2021". Tuy nhiên, năm 2021, công ty vẫn nhập khẩu đủ sản lượng tối thiểu theo quy định. 

Kết luận thanh tra cho rằng, việc không nhập khẩu trong 1 quý trở lên, mặc dù chưa có hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhưng theo khoản 6, điều 8 Nghị định số 83 quy định "Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.

Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị thu hồi trong các trường hợp: thương nhân không tiếp tục hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời gian một 1 quý trở lên".

Bên cạnh đó, một số thương nhân đầu mối không thực hiện việc nhập khẩu xăng, hoặc nhập khẩu xăng dầu ít hơn mức tối thiểu do Bộ Công Thương phân giao.

Những thương nhân này đã có hành vi vi phạm hành chính "Nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân giao hằng năm".

Về việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu, theo kết luận, một số thương nhân đầu mối không đáp ứng được việc bảo đảm tổng nguồn tối thiểu theo số lượng, chủng loại Bộ Công Thương giao.

Các thương nhân đầu mối tổ chức thực hiện phân phối xăng dầu qua hệ thống  cửa hàng bán lẻ trực thuộc, hệ thống đại lý, thương nhân nhượng quyền.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trong kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối vi phạm như ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân không đủ điều kiện làm đại lý xăng dầu theo quy định;

Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác;

Ký hợp đồng nhượng quyền bán lẻ xăng dầu với thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu khi thương nhân này đang thuộc hệ thống phân phối của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối khác;

Thương nhân đầu mối có hành vi bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống phân phối của thương nhân. Việc bán xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu khi chưa có giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu ghi nhận đăng ký là thuộc hệ thống phân phối xăng dầu là hành vi vi phạm khoản 4, điều 22 Nghị định số 99 năm 2020 của Chính phủ.

"Chưa đáp ứng dự trữ thương mại theo quy định", có quyền thu hồi giấy phép kinh doanh

Kết luận thanh tra cho rằng, tại một số thời điểm, một số thương nhân đầu mối chưa đáp ứng về mức dự trữ tối thiểu theo quy định, hiện tượng này không mang tính liên tục và so với chu kỳ dự trữ xăng dầu bắt buộc quy định tính trung bình 15 ngày.

Đối chiếu quy định về dự trữ xăng dầu tối thiểu, một số thương nhân đầu mối đã duy trì mức dự trữ xăng, dầu thấp hơn mức quy định tại khoản 2, điều 30 Nghị định số 99 của Chính phủ. 

Với trường hợp này, theo quy định tại  Nghị định số 83, Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. 


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn