MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 9.5. Ảnh: QUANG HIẾU

Cộng đồng doanh nghiệp đã đoàn kết, vượt qua khó khăn dịch bệnh

THÔNG CHÍ LDO | 09/05/2020 12:37

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp được tổ chức sáng 9.5, nhiều doanh nghiệp bày tỏ với Thủ tướng Chính phủ, tuy dịch bệnh gây nhiều hệ luỵ nhưng cùng với hành động quyết liệt hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã đoàn kết, hỗ trợ để vượt qua khó khăn.

Khó khăn chồng chất nhưng doanh nghiệp đã vượt qua

Tại hội nghị,  ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam – bày tỏ, xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 2,23 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kỳ 2019. Nêu khó khăn, ông Hoè thống kê, chuỗi cung ứng cả nguyên liệu lẫn thành phẩm đứt gãy, dòng hàng và dòng tiền thiếu hụt, ùn ứ, tồn kho…

“Những thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm từ 10-18%”, ông Hoè nêu thực trạng.

Tuy vậy khó khăn chồng chất như vậy nhưng ông Hòe nhận định, ngành xuất khẩu thủy sản đã vượt qua COVID-19 và đang hướng tới phục hồi nhanh để phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay không bị sụt giảm so với 2019.

Ngành xuất khẩu thuỷ sản gặp khó khăn lớn trong những tháng đầu năm vì dịch bệnh. Ảnh: Q.Hiệu 

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho biết trong những khó khăn của dịch vừa qua, các doanh nghiệp phải chủ động, sáng tạo để liên kết lẫn nhau. Theo ông Trường, hai tài sản lớn nhất của ngành dệt may cần phải bảo vệ đó là lao động và vị trí của ngành dệt may ở Việt Nam trên toàn cầu.

Từ lĩnh vực sản xuất liên quan nhiều tới nguyên liệu nước ngoài, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải (Thaco) - cho biết, mặc dù thị trường và sức mua giảm 25% nhưng Thaco vẫn quyết tâm nộp ngân sách 12.000 tỉ đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dương đề nghị Nhà nước có trách nhiệm điều hành kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp bị khủng hoảng sau đại dịch, ưu tiên cho thành phần doanh nghiệp dễ bị tổn thương, doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Doanh nghiệp làm ăn có lời, có lỗ. Bởi vậy, Nhà nước cần có giải pháp điều hành phục hồi kinh tế, với biện pháp can thiệp cân nhắc hài hoà về giải quyết khó khăn trước mắt, khuyến khích tinh thần đổi mới, mục tiêu chung tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp kinh tế thị trường”, ông Dương kiến nghị.

Doanh nghiệp đã đoàn kết, chia sẻ khó khăn

Tổng kết thực trạng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, trong thời gian khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phát huy tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn lại kết quả của một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh;...

“Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn.

Khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp khác; trên 50% doanh nghiệp thực hiện giãn công nợ cho doanh nghiệp đối tác; gần 50% doanh nghiệp thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với doanh nghiệp khác; gần 30% doanh nghiệp chia sẻ thị trường; 6% thực hiện cho doanh nghiệp khách hàng vay. Đã có nhiều doanh nghiệp chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. 

Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội sau đại dịch

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM)- so sánh cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có sự tương đồng khi đều chịu ảnh hưởng của dịch song đều có những biện pháp quyết liệt để vượt qua những khó khăn của dịch, khống chế được dịch. “Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam, Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ thu hút FDI có chất lượng vào Việt Nam”, ông Hong Sun cam kết. 

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục thu hút đầu tư, tăng cường chuỗi cung ứng. Hiệp hội này sẽ hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài Nhật Bản vào Việt Nam. "Các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng tốt hơn cơ hội trong khai thác thị trường mới, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững", ông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn