MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Ảnh: Minh Ánh

Công khai lãi suất cho vay bình quân cần chi tiết hơn và giám sát chặt

Minh Ánh LDO | 16/04/2024 09:22

Không chỉ các chuyên gia đánh giá, chính người dân và doanh nghiệp cũng nhìn thấy điểm tích cực khi các ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, các ngân hàng cần chi tiết hơn mức lãi suất cho vay bình quân và cần có cơ chế giám sát thực thi quy định này.

Cần chi tiết hơn

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, sau khi hai vợ chồng tổ chức xong đám cưới, bạn Đỗ Hoàng Khánh Linh (Hà Nam) lần lượt vào từng website ngân hàng để tra cứu lãi suất cho vay mua chung cư.

"Nếu sắp tới các thủ tục vay vốn dễ dàng và lãi suất vay vốn sát với lãi suất cho vay bình quân, vợ chồng tôi sẽ quyết định mua một căn chung cư trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội" - Linh cho biết.

Không chỉ là người dân có nhu cầu vay vốn, chính các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cũng cảm thấy việc công khai lãi suất cho vay là chủ trương đúng, tuy nhiên, khi tiếp cận khoản vay thì mức lãi suất thực tế lại khác.

Một lãnh đạo doanh nghiệp dệt may tại huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) cho biết, để duy trì hoạt động sản xuất và đáp ứng các yêu cầu chất lượng của các khách hàng mới, doanh nghiệp muốn tiếp cận thêm vốn tín dụng của ngân hàng.

"Tôi thấy rất hào hứng khi các ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân, nhưng mức lãi suất này chưa thể hiện được đúng mức lãi suất cho vay tại các ngân hàng, vì lãi suất cho vay từng thời hạn sẽ có mức khác nhau, rồi lãi suất cho vay từng cá nhân, doanh nghiệp cũng sẽ có mức khác... Vì vậy, khi tôi tìm đến các ngân hàng mới, với lãi suất cho vay bình quân hấp dẫn để hỏi về thủ tục, hồ sơ thì các bạn nhân viên tín dụng đa phần liệt kê cho chúng tôi mức lãi suất cao hơn" - lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.

Cần cơ chế theo dõi sát quá trình thực hiện

Trao đổi với Lao Động, TS Châu Đình Linh - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho biết, trên thực tế, chi phí lãi vay vẫn luôn là gánh nặng lớn của doanh nghiệp Việt Nam. Câu chuyện giảm lãi suất cho vay trên thị trường tiền tệ sẽ giúp thị trường vốn tăng trưởng hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh, cần phải hiểu lãi suất cho vay bình quân không chỉ dành cho một đối tượng, cho nên việc cho vay ngắn hạn, dài hạn, cho vay tín chấp, thế chấp, cho vay kinh doanh, cho vay lĩnh vực ưu tiên và cho vay đối tượng xếp hạng tín nhiệm sẽ khác nhau.

"Nếu chiến lược kinh doanh của ngân hàng là tập trung vào đối tượng có mức rủi ro cao, hoặc cho vay để có tỉ suất sinh lời cao, ví dụ như những ngân hàng định hướng vào các khoản vay ngắn hạn, tín chấp, cho vay tiêu dùng… thì khi tính trung bình, mức lãi suất đầu ra sẽ cao hơn so với những ngân hàng có lợi thế về vốn chủ sở hữu hoặc vốn chủ sở hữu chi phối bởi vốn của Nhà nước thì sẽ có mức lãi suất thấp hơn" - TS Linh nói.

Theo khảo sát của phóng viên, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có mức lãi suất cho vay thấp hơn nhóm ngân hàng thương mại. Ngoài ra, có ngân hàng công khai chi tiết mức lãi suất cho vay bình quân.

Lãi suất cho vay bình quân tại nhóm Big4 lần lượt từ thấp đến cao là BIDV (6,25%/năm); VietinBank (6,3%/năm); Vietcombank (6,4%/năm); Agribank (7,47%/năm).

Hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng này cũng khá thấp, tuy nhiên, nhóm ngân hàng này không công khai chi tiết mức lãi suất cho vay bình quân từng đối tượng mà gộp chung một mức lãi suất.

Trong khi đó, ở các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ hơn như VIB, lãi suất cho vay bình quân được chia dành cho khách hàng doanh nghiệp hay khách hàng cá nhân, khách vay dài hạn hay ngắn hạn. Nếu khách hàng doanh nghiệp vay ngắn hạn sẽ có mức lãi suất cho vay bình quân là 6,83%/năm. Với khoản vay trung/dài hạn có lãi suất cho vay bình quân là 7,69%/năm. Lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn đối với khách hàng cá nhân là 7,29%; với khoản vay trung/dài hạn có lãi suất cho vay bình quân là 8,6%/năm.

Hay tại OCB, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân được công bố là 7,9%/năm, còn đối với khách hàng doanh nghiệp là 8,93%/năm.

Theo TS Châu Đình Linh, việc công khai minh bạch lãi suất cho vay sẽ giúp người đi vay dễ dàng lựa chọn hơn. TS Linh chỉ ra điểm nghi vấn: "Hành động công khai lãi suất cho vay bình quân của mỗi ngân hàng là theo NHNN, nhưng cần phải kiểm kê con số này đúng hay sai. Con số này có thực sự phản ánh đúng lãi suất cho vay của các ngân hàng hay không, hay chỉ là con số đối phó trên báo cáo? Chính vì vậy, cần có cơ chế xem xét con số công bố này có đúng hay không để tránh việc cạnh tranh giữa các ngân hàng không công bằng, bóp méo số liệu... khiến chính sách này không đi đến bản chất tốt".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn