MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp lựa chọn ngân hàng vay. Ảnh: Hải Nguyễn

Công khai lãi suất cho vay tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Minh Ánh LDO | 09/03/2024 18:00

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện chỉ đạo các tổ chức tín dụng bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công bố công khai lãi suất cho vay bình quân. Nhiều ngân hàng đã tích cực thực hiện chỉ đạo này, để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng vay vốn.

Hài hòa lợi ích

Làm chủ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu các mặt hàng dệt may ở Hoài Đức (Hà Nội) anh Nguyễn Thành Nghĩa luôn hy vọng lãi suất vay vốn của các ngân hàng sẽ giảm để doanh nghiệp anh có cơ hội tiết giảm chi phí. Bởi từ giữa năm 2023, dù lãi suất đã giảm nhưng anh Nghĩa vẫn khẳng định mức giảm chưa thực sự đáng kể.

Nói về việc các ngân hàng buộc phải niêm yết công khai lãi suất cho vay, anh Nghĩa đánh giá đây là cơ hội giúp cho DN và người dân có cơ sở để so sánh lãi suất vay vốn giữa các ngân hàng, buộc các ngân hàng phải cạnh tranh để có khách hàng.

Anh Nghĩa nhận định: "Một khoản vay và lãi suất dựa trên nhiều yếu tố và muôn thủa là thỏa thuận của DN với ngân hàng. Nếu lãi suất bình quân được công khai thì người đi vay sẽ có yếu tố tham chiếu và có vẻ có lợi hơn khi đàm phán. Tuy nhiên, điều cốt lõi DN phải chứng minh được năng lực và cho ngân hàng thấy uy tín của mình".

Dựa trên kinh nghiệm lãnh đạo DN, anh Nghĩa nhận định để DN vay được vốn ngân hàng thì 70% quyết định phụ thuộc vào tài sản đảm bảo, uy tín DN, còn 30% còn lại "phụ thuộc cảm tính" của ngân hàng.

Trong công điện gửi đi ngày 5.3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với lãi suất huy động. Yêu cầu công khai lãi suất cho vay bình quân là một trong những giải pháp để người dân, DN lựa chọn ngân hàng vay.

Ngay từ đầu năm, việc các tổ chức tín dụng phải công khai lãi suất bình quân được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo từ Chỉ thị 01. Tại cuộc họp thúc đẩy tín dụng cuối tháng 2, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh việc công bố lãi suất bình quân là việc các ngân hàng phải làm theo chỉ đạo.

Ngân hàng rơi vào thế khó, nhưng không phải không có giải pháp

Tại Hội nghị về tín dụng cuối tháng 2.2024, các lãnh đạo ngân hàng cho rằng việc công khai lãi suất cho vay bình quân rất khó.

Như Tổng Giám đốc LPBank Hồ Nam Tiến chia sẻ: "Nhiều khách hàng dù đã được hưởng lãi suất ưu đãi trong 1-2 năm đầu, các khoản vay cũ cũng được giảm 1,5-2%/năm, thậm chí có khách hàng được giảm tới 3%/năm, đưa về quanh mức 10,5-11%/năm nhưng vẫn sẽ tiếp tục phàn nàn về mức lãi suất (so với lãi suất cho vay bình quân được công bố)".

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, trong trường hợp nếu ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân là 12%, trong khi lãi suất đầu vào chỉ có 4-5%, có khả năng sẽ tạo ra những thông tin suy xét bất lợi từ phía khách hàng.

Bình luận về vấn đề này với Lao Động, TS Châu Đình Linh - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho biết: "Mục tiêu trong chính sách của Chính phủ hướng đến là lãi suất đầu ra trong nền kinh tế phải thấp để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của DN, giúp DN tiết giảm chi phí tài chính, chi phí lãi vay - thứ mà từ trước đến nay DN đều coi là gánh nặng lớn.

Lãi suất cho vay giảm xuống sẽ tạo ra tác động liên thông giữa nhiều thị trường gồm thị trường tiền tệ (thị trường kinh doanh vốn dưới 1 năm) và thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu). Theo đó, khi lãi suất trở nên minh bạch hơn trên thị trường tiền tệ và rẻ hơn thì lập tức sẽ tạo ra dòng vốn sang những thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, kích thích các thị trường này phát triển. Vì vậy yêu cầu ngân hàng công khai lãi suất cho vay rất có ý nghĩa".

Tuy nhiên có một vấn đề khiến các ngân hàng rơi vào thế khó. TS. Châu Đình Linh phân tích: "Khi ngân hàng duy trì mức lãi suất thấp thì phải đánh đổi rất nhiều thứ. Một là phải quan tâm nhiều hơn tỉ giá VND/USD. Thứ hai là rủi ro có khả năng gia tăng ở khía cạnh hoạt động tín dụng trên thị trường tiền tệ.

Cần phải hiểu, lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động bình quân cộng biên độ dao động. Với ngân hàng có CASA lớn, có nguồn tiền gửi tốt với mức lãi suất tốt thì lãi suất huy động bình quân sẽ rất thấp. Còn biên độ dao động có kết cấu gồm chi phí hoạt động cộng với phần bù rủi ro của đối tượng người đi vay cộng thêm phần lợi nhuận mà ngân hàng kỳ vọng có được.

Vì vậy rất khó để khẳng định lãi suất cho vay cơ sở là bao nhiêu.

Cùng chia sẻ quan điểm, ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam - cho biết: Theo lý thuyết, các ngân hàng công bố lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động làm tăng tính minh bạch, giúp khách hàng (KH) lựa chọn. Nhưng trên thực tế, lãi suất cho vay ngân hàng phải dựa trên cơ sở rủi ro KH, các nhóm KH, tài sản đảm bảo từng KH và cân đối lợi ích tổng thể của KH.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn