MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Smartphone vẫn là trung tâm kết nối IoT trong thời kì 5G (ảnh: Zing.vn).

Công nghệ 5G “ghê gớm” cỡ nào mà nhà mạng nào cũng muốn triển khai?

Thế Lâm LDO | 25/01/2019 07:50
Thông tin mới nhất, Viettel là một trong những nhà mạng đầu tiên được Bộ TT&TT cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G. 5G - mạng di động thế hệ thứ 5, đã được một số quốc gia trên thế giới triển khai. Còn tại Việt Nam, cho đến đầu năm 2019 này mới có nhà mạng đầu tiên được cấp phép thử nghiệm.

Thử nghiệm 5G trong năm 2019…

Theo giấy phép của Bộ TT&TT, Viettel được thử nghiệm công nghệ 5G tại Hà Nội và TP.HCM trong vòng một năm kể từ ngày cấp phép. Như vậy, sớm nhất 5G được triển khai chính thức tại Việt Nam phải từ năm 2020.

Trong khi đó, nhà mạng MobiFone cũng đã nộp hồ sơ xin phép được thử nghiệm 5G tại Hà Nội và TP.HCM và đang chờ phản hồi của bộ. Thông tin từ phía nhà mạng này là đang làm việc với đối tác cung cấp thiết bị 5G để chuẩn bị cho việc thử nghiệm dự kiến vào đầu quí II/2019. Số lượng trạm phát sóng thử nghiệm 5G mà MobiFone dự kiến lắp đặt tại Hà Nội và TP.HCM là khoảng 20 trạm.

Còn VNPT, tập đoàn đang khai thác mạng VinaPhone cũng đã có bước chuẩn bị với việc gần đây đã kí kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác tại Châu Âu liên quan đến công nghệ 5G. Theo lộ trình dự kiến của Bộ TT&TT, trong năm nay tiến hành việc cấp phép thử nghiệm cho các nhà mạng, để từ năm 2020 có thể chính thức triển khai công nghệ 5G trên thị trường.

5G có gì “ghê gớm”?

So với công nghệ 4G hiện tại, công nghệ 5G được cho rằng sẽ có tốc độ cao hơn, độ trễ thấp hơn và kết nối được nhiều thiết bị cùng lúc.

Vào tháng 12.2018 vừa qua, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tiên triển khai chính thức và rộng rãi mạng 5G. Tốc độ tải xuống (download) của 5G được cho rằng lên tới 20Gbps (Gigabit/giây) về mặt lí thuyết, tức nhanh hơn 4G hiện tại hơn 10 lần. Tuy nhiên, tốc độ lí thuyết không hẳn là tốc độ trên thực tế sử dụng vì mỗi trạng phát sóng dù là 2G, 3G, 4G hay 5G đều phải chia sẻ cho nhiều thuê bao sử dụng cùng lúc, do đó tốc độ/mỗi thuê bao ở các khu vực cũng sẽ khác nhau.

(Ảnh: PC World Việt Nam). 

Một số thử nghiệm cho thấy tốc độ thực tế của công nghệ 5G có thể đạt 2Gbps hoặc thậm chí hơn. Với tốc độ này sẽ giúp cho các thuê bao di động không chỉ lướt web nhanh hơn mà sử dụng các dịch vụ tốn nhiều băng thông và cần tốc độ cao như video call, xem tivi trực tuyến, truyền hình trực tiếp.v.v… có chất lượng cao hơn nhiều so với hiện tại.

Tuy nhiên thế giới kết nối 5G không chỉ phục vụ cho nhu cầu thuê bao điện thoại di động. Trên thực tế, công nghệ 5G được nghiên cứu và phát triển còn nhắm tới mục đích phục vụ cho thời đại “Internet vạn vật” (Internet of Things – IoT). Nghĩa là bên cạnh thuê bao điện thoại di động thì 5G còn đáp ứng các kết nối khác như  nhà thông minh (smarthome) với rất nhiều thiết bị điện tử-điện gia dụng, ôtô thông minh, đô thị thông minh với việc sử dụng rất nhiều cảm biến, camera.v.v… kết nối về các trung tâm điều khiển.

Năm 2018, các con số nghiên cứu chỉ ra rằng thế giới đã có khoảng 20 tỉ thiết bị kết nối. Tuy nhiên, năm vừa qua cũng chưa được gọi là năm bùng nổ IoT vì mạng 5G – mạng lưới kết nối quan trọng cho IoT – vẫn chưa được triển khai. Sự bùng nổ của IoT được cho rằng phải bắt đầu từ năm 2020 trở đi, với khoảng 50 tỉ thiết bị được kết nối và 1 tỉ thiết bị IoT được bán ra mỗi năm, tất nhiêu hầu hết đều phải dựa vào mạng 5G để giao tiếp và tương tác.

Có nhiều ý kiến cho rằng Cách mạng Công nghiệp 4.0 có 9 trụ cột công nghệ chính như IoT, trí tuệ nhân tạo, học máy, robot.v.v… nhưng kết nối mới là yếu tố quan trọng nhất để giúp các thiết bị, phần mềm giao tiếp, “nói chuyện” với nhau.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn