MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tin tức cập nhật trên nền tảng công nghệ số của ứng dụng về sức khỏe eDoctor (chụp màn hình).

Công nghệ Việt giúp được gì trong việc phòng chống dịch virus Corona?

Thế Lâm LDO | 03/02/2020 13:12

Trong lúc dịch virus chủng mới Corona đang lây lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng đã có những động thái ứng dụng nền tảng công nghệ số để chung tay phòng chống dịch.

Theo tập đoàn Viettel, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Canh Tý (28-29.1.2020), hàng trăm kỹ sư thuộc các công ty trực thuộc đã phối hợp lắp đặt 21 cầu truyền hình tại 21 bệnh viện lớn trên cả nước để đảm bảo công tác giao ban điều hành trực tuyến công tác chỉ đạo phòng chống dịch virus Corona.

Hệ thống giao ban trực tuyến gồm 22 điểm cầu, trong đó 21 bệnh viện nằm trong danh sách giao ban trực tuyến nhằm ứng phó với dịch viêm phổi cấp Vũ Hán, như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện E, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM… Thông qua hệ thống điều hành trực tuyến, Bộ Y tế có thể trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện trong quá trình điều trị từ ngày 29.1.

Ngày 2.2.2020, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã kí ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTTTT về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, trong đó nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp công nghệ cần coi đây là thách thức, đồng thời là trách nhiệm của mình đối với xã hội, khẩn trương vào cuộc, đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ số sáng tạo vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch”.

Ngay sáng ngày 3.2, eDoctor – một ứng dụng khởi nghiệp về y tế và chăm sóc sức khỏe - đã tổ chức họp ban lãnh đạo để triển khai thêm các chương trình tư vấn, truyền thông trên nền tảng di dộng.

Theo ông Vũ Thanh Long – Giám đốc của eDoctor, ngoài việc thông tin về dịch bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán do virus nCoV theo nguồn tin chính thống từ Bộ Y tế trên nền tảng ứng dụng, trên fanpage và chạy thông báo trên ứng dụng cập nhật tới người dùng, eDoctor còn tổ chức các đường dây nóng trả lời thắc mắc và tư vấn cho người dùng gọi tới; tổ chức các cuộc livestream với các bác sĩ, nhà chuyên môn để tọa đàm, trao đổi… về virus Corona và cách phòng tránh.

Thông tin về dịch virus Corona từ nguồn Bộ Y tế được ghim ở vị trí trên cùng trong cửa số chat của ứng dụng Zalo (chụp màn hình).

Trao đổi với PV Lao Động, bà Lê Kim Xuyến – Phụ trách truyền thông của Zalo Group thuộc VNG – cho biết, Zalo và Bộ Y tế đang có sự phối hợp chặt chẽ để đưa những thông tin chính thống về cách phòng chống virus Corona lên trang Zalo của bộ, đồng thời đẩy thông tin cập nhật theo dạng thông báo tới từng người dùng Zalo. Thậm chí, thông tin truyền thông phòng chống dịch chính thống được treo trên cùng trên trang giao diện chat của Zalo để người dùng thuận tiện theo dõi.

Bên cạnh đó, Zalo phối hợp với một số tỉnh thành như Quảng Ninh, Đà Nẵng hỗ trợ đưa thông tin lên tài khoản cá nhân và cập nhật danh sách các cơ sở khám chữa và điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona.  

Theo bà Xuyến, động thái hiện nay dừng lại ở mức độ tận dụng nền tảng công nghệ số trên di động với lượng người dùng lớn để thông tin kịp thời đến người dân từ nguồn chính thống. Đối với những sản phẩm, giải pháp góp phần thúc đẩy phòng chống dịch, các doanh nghiệp công nghệ số cần thêm thời gian nghiên cứu sâu hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn