MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất tại nhà máy Samsung ở Việt Nam. Ảnh: Samsung

Công nghiệp bán dẫn - Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam

Song Minh LDO | 06/10/2022 07:50

Ngành công nghiệp bán dẫn là nền tảng hỗ trợ và phát triển một số ngành phụ khác, đồng thời là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo nhận định của trang Vietnam Briefing. 

Tiềm năng của Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới nổi

Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam ước tính đạt 6,16 tỉ USD vào năm 2024. Samsung, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, sẽ bắt đầu sản xuất các bộ phận bán dẫn tại Việt Nam vào tháng 7.2023. 

Chất bán dẫn sẽ đánh dấu mảng kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi gã khổng lồ công nghệ này đã sản xuất thiết bị gia dụng và một nửa số điện thoại thông minh.

Đầu tư của Samsung vào thị trường bán dẫn của Việt Nam không phải là không có sự cạnh tranh khi tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ hồi tháng 8 đã tuyên bố thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam. Synopsys đã ký một biên bản ghi nhớ với Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo kỹ sư thiết kế chip tại Việt Nam, đồng thời trao 30 giấy phép, trị giá 20 triệu USD, cho khu công nghệ này. Phó Chủ tịch Synopsys nhấn mạnh rằng nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ và chi phí thấp hơn ở Việt Nam là lợi thế cạnh tranh mà Việt Nam có được so với các nước khác trong khu vực. Theo đại diện của Synopsys, Việt Nam trở thành một điểm đến ưa thích với các doanh nghiệp Mỹ.

Theo ông Filippo Bortoletti, Giám đốc Quốc gia Việt Nam tại công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates, động thái của Samsung rõ ràng có ý nghĩa rất lớn đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, vì trước đây các doanh nghiệp đa quốc gia khác chỉ có một số doanh nghiệp đóng gói và thử nghiệm chất bán dẫn tại Việt Nam.

Việc Samsung - một trong những tập đoàn lớn nhất trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu - đã chọn Việt Nam và Mỹ để bắt đầu sản xuất chất bán dẫn chứ không phải Nhật Bản, Châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào khác nói lên tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm sản xuất mới nổi sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai gần. 

Ông cũng lưu ý, đầu tư của Samsung sẽ mang lại cho Việt Nam những lợi ích đáng kể trong những năm tới, vì một số doanh nghiệp địa phương mới và các công ty nước ngoài lớn có thể sẽ phát triển mạnh. Điều này sẽ giúp Việt Nam có lợi thế hơn so với các địa điểm đầu tư tiềm năng khác.

Thuận lợi và khó khăn

Theo ông Filippo, lợi thế chính của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là nhân khẩu học thuận lợi, nguồn nhân lực và chi phí lao động tương đối thấp. 

Chính phủ Việt Nam đang mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời điều chỉnh khuôn khổ pháp lý để phù hợp với thông lệ quốc tế. Việt Nam có hệ sinh thái các doanh nhân địa phương luôn sẵn sàng học hỏi và cải thiện, có kế hoạch rõ ràng cho quỹ đạo phát triển trong tương lai.

Ông Filippo cũng đề cập đến những thách thức lớn mà Việt Nam có thể phải đối mặt trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Với nguồn ngân sách hạn chế - nhưng ngày càng tăng, Chính phủ cần đảm bảo cơ sở hạ tầng địa phương có thể tiếp nhận nhiều doanh nghiệp hơn mà không bị tắc nghẽn, hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và tiếp tục cập nhật khung pháp lý để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. 

Trước Samsung, Việt Nam đã có Intel Products Việt Nam (IPV), nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất trong mạng lưới của Intel. 

Năm ngoái, Intel cam kết chi 475 triệu USD để xây dựng một cơ sở thử nghiệm và lắp ráp vi điện tử tiên tiến nhất tại Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng chip toàn cầu, IPV đã duy trì hoạt động ổn định và có một số đóng góp sáng tạo để giúp lấp đầy sự thiếu hụt chất bán dẫn.

Khu phức hợp được xây dựng tại Việt Nam đã nhận được hơn 1,5 tỉ USD trong 15 năm qua từ gã khổng lồ trong ngành công nghiệp linh kiện. Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu thế giới, các khoản đầu tư trực tiếp của Intel vào Việt Nam có nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai gần.

Các nhà sản xuất chip khác, bao gồm Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix và NXP Semiconductors cũng đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại Việt Nam. 

Các công ty này đã đặt nền móng về cơ sở hạ tầng sản xuất và hậu cần cũng như các trung tâm nghiên cứu, từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn để đầu tư tiếp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn