MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành công nghiệp ở Vĩnh Phúc ngày càng phát triển. Ảnh H.A

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế

Hiếu Anh LDO | 05/10/2022 08:30
Công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tăng 10,69%. Thu nhập bình quân của lao động ngành này cũng đạt 7,4 triệu đồng - tăng 14% so với 9 tháng đầu 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng, dẫn dắt toàn nền kinh tế Việt Nam.

Những con số ấn tượng

Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại các địa phương có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Tại Quảng Ninh, đến nay có 97 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, vốn đăng ký đầu tư xấp xỉ 89.000 tỉ đồng. Tổng diện tích thực hiện các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo là 649,5ha. 9 tháng đầu năm 2022, cơ cấu công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh đạt 12,3%, tăng 0,4% so với năm 2021 và tăng 2,5% so với năm 2020.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,06% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2019 trở lại đây. Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn phục hồi trở lại như trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất với 15,22%.

Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng  đầu năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Theo đó, công nghiệp chế biến, chế tạo quý I tăng 7,85%; quý II tăng 11,07%; quý III tăng 13,02%. Tính chung 9 tháng đầu năm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74 điểm phần trăm.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9.2022 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Điểm sáng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn được nhìn qua thu nhập của người lao động.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, thu nhập của người lao động Việt Nam 9 tháng đầu năm có sự phục hồi mạnh mẽ.

Cụ thể, mức thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng tăng 12,7% so với 9 tháng đầu năm 2021. Trong đó, nổi bật nhất là lao động trong ngành chế biến chế tạo với mức thu nhập trung bình là 7,4 triệu đồng tăng 14% so với 9 tháng đầu năm 2021 và 11,9% 9 tháng đầu năm 2020.

Doanh nghiệp kỳ vọng

Với những kết quả đã đạt được, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục kỳ vọng sự tăng trưởng.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh ổn định và chỉ có 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Dự kiến quý IV/2022, kết quả điều tra cho thấy, có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022; 33,9% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý IV/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2022; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%.

Về khối lượng sản xuất, có 39,1% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2022 tăng so với quý II/2022; 35,3% số doanh nghiệp cho rằng, ổn định và 25,6% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm.

Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo vẫn cần thận trọng trong những tháng cuối năm.

Ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong 9 tháng qua, bước sang quý IV/2022, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, lạm phát cao trên toàn cầu.

Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro bởi các biến thể mới có nguy cơ gia tăng trên thế giới. Do đó, trong số các giải pháp tổng thể đặt ra, Tổng cục Thống kê khuyến nghị cần chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và tạo công ăn việc làm, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022, tạo đà cho năm 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn