MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhu cầu kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp rất lớn nhưng chưa được hỗ trợ. Ảnh: TT

Công nghiệp đóng góp lớn nhưng vẫn còn điểm nghẽn

THUỲ TRANG LDO | 04/11/2022 11:08

Đà Nẵng - Công nghiệp đã trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước, tuy nhiên từ chính sách đến khung pháp lý vẫn còn những điểm nghẽn khiến doanh nghiệp chưa được hỗ trợ tối đa để phát triển. 

Ngày 4.11, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022.

Thông tin tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, trong những năm gần đây, công nghiệp đã trở thành ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất đối với ngân sách nhà nước cũng như ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao.

Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là tỷ trọng các ngành có trình độ công nghệ cao và trung bình, giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng. Công nghiệp hỗ trợ có nhiều bước phát triển khởi sắc, góp phần cải thiện năng lực tự chủ sản xuất của các ngành công nghiệp nội địa.

Một số tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn đã dần hình thành và phát triển, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng một số điểm nghẽn then chốt của công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn chưa được khắc phục.

Ông Tuấn Anh nêu rõ, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu. Mặc dù được xác định là động lực tăng trưởng của nền kinh tế nhưng trình độ đạt được của nền công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay còn thấp so với yêu cầu của một nước công nghiệp.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao. Trình độ nguồn nhân lực và kỹ thuật sản xuất còn rất thấp. Các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa làm chủ và cạnh tranh được về các công nghệ nguồn trong sản xuất, chưa có sản phẩm công nghiệp thương hiệu Việt Nam có hàm lượng công nghệ và giá trị cao.

Do đó, chưa hình thành được chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong nước, và đa số các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Tăng trưởng năng suất lao động của công nghiệp chế biến, chế tạo trì trệ và thậm chí giảm sút trong khoảng 2 thập kỷ gần đây.

Về hệ thống chính sách hỗ trợ, trong các ngành công nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã và tham mưu ban hành các luật về một số ngành công nghiệp đặc thù như Luật Dầu khí, Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật khoáng sản. Tuy nhiên, đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (trong đó có công nghiệp hỗ trợ), hiện nay chưa có một Luật chuyên ngành để thúc đẩy phát triển, đồng thời hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách để điều chỉnh cũng rất hạn chế.

"Việc chưa có khung pháp lý đủ mạnh ở cấp Luật để quản lý, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách công nghiệp quốc gia trong thời gian vừa qua không đạt được những kết quả như mong đợi" - ông Tuấn Anh cho hay. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn