MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ. Ảnh TL

Công nghiệp hỗ trợ: Khái niệm và thực tiễn

Mi Vân LDO | 18/09/2019 15:36

Theo lý thuyết kinh tế, công nghiệp hỗ trợ được định nghĩa là các ngành sản xuất đầu vào. Đến nay, ở Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. 

Cụ thể hơn về công nghiệp hỗ trợ, đó là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Công nghiệp hỗ trợ: từ lý thuyết kinh tế và từ thực tiễn sản xuất

Theo ông Junichi Mori, nghiên cứu viên tại Câu lạc bộ các nhà Kinh tế Nhật-Việt (nay là VDF Tokyo) và Diễn đàn phát triển Việt Nam cho rằng có hai cách tiếp cận đối với khái niệm công nghiệp hỗ trợ: từ lý thuyết kinh tế và từ thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Theo lý thuyết kinh tế, công nghiệp hỗ trợ được định nghĩa là các ngành sản xuất đầu vào. Hàng hóa, sản phẩm sau cùng được tạo ra từ những quá trình sản xuất và lắp ráp các đầu vào. Công nghiệp hỗ trợ chính là những ngành sản xuất các sản phẩm đầu vào, gồm: Các sản phẩm, hàng hóa trung gian; Các sản phẩm, hàng hóa phục vụ quá trình sản xuất. 

Việc phân biệt hàng hóa trung gian và hàng hóa phục vụ quá trình sản xuất phụ thuộc vào hình thức chuyển hóa của những hàng hóa này vào trong sản phẩm cuối cùng. Như trong sản xuất hàng điện tử tiêu dùng, các linh kiện lắp ráp được xem như hàng hóa trung gian, trong khi máy móc, thiết bị sản xuất các linh kiện ấy được xem như hàng hóa phục vụ quá trình sản xuất.

Trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, có hai cách hiểu về công nghiệp hỗ trợ. Ở góc độ hẹp, công nghiệp hỗ trợ là các ngành sản xuất phụ tùng linh kiện phục vụ cho công đoạn lắp ráp ra sản phẩm hoàn chỉnh. Ở góc độ rộng hơn, công nghiệp hỗ trợ được hiểu như toàn bộ các ngành tạo ra các bộ phận của sản phẩm cũng như tạo ra các máy móc, thiết bị hay những yếu tố vật chất nào khác góp phần tạo thành sản phẩm. 

Ông Junichi Mori cho rằng khái niệm công nghiệp hỗ trợ trên thực tế chủ yếu sử dụng trong các ngành công nghiệp có sản phẩm đòi hỏi sự kết nối của nhiều chi tiết phức tạp đòi hỏi tính chính xác cao, dây chuyền sản xuất đồng loạt với các công đoạn lắp ráp tách biệt.

Hai ngành công nghiệp hay sử dụng nhiều khái niệm công nghiệp hỗ trợ là ngành ô tô và điện tử. Tuy nhiên, nếu đặt góc nhìn rộng hơn, công nghiệp hỗ trợ phải được hiểu một cách tổng quát như một hình dung về toàn bộ quá trình sản xuất nói chung, chứ không thể bổ dọc, cắt lớp theo ngành hay sản phẩm vì mỗi ngành, mỗi loại sản phẩm đều có những đặc thù riêng và đều có những đòi hỏi ở các mức độ khác nhau về yếu tố phụ trợ. 

Có thể phân loại công nghiệp phụ trợ theo 2 hướng

Phân loại theo ngành sản xuất: Các ngành cứng như sản xuất nguyên vật liệu và linh kiện. Các ngành mềm như thiết kế sản phẩm, mua sắm, marketing quốc tế, viễn thông, vận tải, năng lượng, cấp nước. Các ngành phục vụ nhu cầu nội địa như thép, hóa chất, giấy, ximăng…

Phân loại từ góc độ doanh nghiệp: Các nhà cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc ở nước ngoài. Các nhà cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc nước ngoài ở thị trường trong nước. Các nhà cung ứng linh kiện, thiết bị, máy móc ở nội địa.

Công nghiệp hỗ trợ ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt với Việt Nam vì: “Nội địa hóa là một trong những yếu tố cốt yếu nằm trong chiến lược kinh doanh của các công ty đa quốc gia. Các công ty Nhật Bản đang họat động tại Việt Nam là một ví dụ cụ thể.

Để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết khu vực, việc kết hợp một cách khôn khéo các bộ phận cấu thành của sản phẩm sản xuất từ các địa điểm khác nhau, đặc biệt là khu vực Đông Á sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với việc áp đặt tỷ lệ nội địa hóa 100%” ông Junichi Mori nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn