MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam cần xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ảnh: T.L

Công nghiệp hỗ trợ: Không thể phát triển kinh tế trên một nền công nghiệp hỗ trợ yếu

Phong Nguyễn LDO | 01/10/2022 06:00

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia.

Doanh nghiệp khó cạnh tranh vì ngành CNHT thiếu và non yếu

Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2022, trong khu vực công nghiệp (CN) và xây dựng, ngành CN có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT) là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018, đóng góp 2,74 điểm phần trăm. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và ngành CN nói riêng sẽ mạnh hơn nữa nếu Việt Nam có ngành CNHT phát triển đủ tầm.

ThS Lại Thị Tuyết Lan - Trường Đại học Tài chính Marketing - đánh giá: Hiện nay, một số ngành CN có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ôtô, xe máy… nhưng hầu như các ngành này chưa có CNHT đi kèm, phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chi phí sản xuất cao, khó cạnh tranh khi gia nhập thị trường quốc tế.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, các DN CNHT của Việt Nam có trình độ công nghệ khá thấp, năng lực quản lý, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế. Do đó, chỉ có khoảng 20% DN có chứng nhận ISO 9.000.

Hiện nay, cả nước có trên 5.000 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT cung cấp nguyên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện cho các DN sản xuất sản phẩm cuối cùng trong các ngành ôtô, điện tử, cơ khí, dệt may, da giày… nhưng phần lớn DN CNHT là DN nhỏ và vừa (khoảng 88%), thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng. 

Có một thực tế không thể phủ nhận, là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, giá trị sản xuất CN tại TPHCM chiếm khoảng 32,3% sản lượng CN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng ngành CNHT tại địa phương này chưa phát triển theo đòi hỏi do hạn chế về công nghệ, thiếu các khu phát triển CNHT công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp...

Để các sản phẩm CNHT của  Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Việc phát triển CNHT được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành CN, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Theo ông Trần Bá Linh - Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang - để có thể trở thành nhà cung ứng sản phẩm CNHT trong ngành điện, điện tử, DN đã phải đầu tư đổi mới hệ thống quản trị, dây chuyền sản xuất kết hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư. Có như vậy, các sản phẩm mới đạt chất lượng, độ chính xác và tính hoàn thiện cao để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cũng cho hay, để ưu tiên phát triển ngành CNHT, Bình Dương đã hình thành Khu công nghiệp (KCN) tại huyện Bàu Bàng với quy mô trên 1.000ha, ưu tiên thu hút vốn đầu tư vào CNHT, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại KCN này. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất lốp, túi khí ôtô với vốn đầu tư lên tới 1 tỉ USD của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ôtô.

Dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD tại KCN VSIP II.

Để hỗ trợ DN nói chung và DN CNHT nói riêng, TPHCM đang quy hoạch xây dựng khu CNHT ứng dụng công nghệ cao với quy mô 300ha, đồng thời phát triển những cụm CNHT phù hợp tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. 

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách về thuế, hải quan, vốn đầu tư kích cầu... để tạo nội lực cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ kết hợp mở rộng quy mô sản xuất, góp phần hình thành mạng lưới các nhà sản xuất CNHT có năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Triển khai kế hoạch thực hiện chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2022-2023, TPHCM sẽ hỗ trợ DN CNHT đầu tư phát triển, mở rộng thị trường, kết nối cung-cầu sản phẩm CNHT. Đồng thời, tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp, CNHT tiêu biểu, hỗ trợ quảng bá, phát triển DN có sản phẩm được bình chọn, mở rộng Trung tâm trưng bày sản phẩm CNHT; nghiên cứu, hình thành các nhóm DN CNHT để tạo sự liên kết giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa, tổ chức hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu...

Việc phụ thuộc lớn vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng tạo ra trong nước của ngành CN chế biến, chế tạo thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. CN chế biến, chế tạo của Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 16% GDP so với mức 26% của Thái Lan, 36% của Trung Quốc. Vì vậy, phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu, tăng tỉ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành CN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn