MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nghiệp hỗ trợ ôtô Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Ảnh: Minh Hà

Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô khởi sắc

Minh Hà LDO | 07/07/2023 15:19

Toyota Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ phát triển một số nhà cung cấp đạt trình độ để trở thành các công ty nòng cốt, tiếp tục triển khai nhân rộng những kiến thức đã được Toyota Việt Nam đào tạo để lan tỏa sự hỗ trợ tích cực tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bao gồm cả loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã tăng thấy rõ.

Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ôtô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tỉ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa được cải thiện trong thời gian qua.

Theo Bộ Công Thương, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô và 259 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.

Một số chuyên gia đánh giá, tỉ lệ nội địa hóa ôtô du lịch tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8-10%. Hiện nay, hạn chế của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là phần lớn chỉ ở mức độ lắp ráp, chưa hình thành nền móng sản xuất thực sự, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ ở 4 công đoạn chính: hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Nhà xưởng, công nghệ chưa hiện đại, chưa đáp ứng tiêu chí xanh hóa và thân thiện với môi trường, giảm phát thải… trong khi đây là xu thế chuyển dịch tất yếu theo cam kết với quốc tế.

Theo nhận định của BlueScope - nhà cung cấp vật liệu, sản phẩm, hệ thống và công nghệ thép đổi mới - tiềm năng và sức hút của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là rất lớn và đã hình thành làn sóng chuyển dịch, thu hút đầu tư cũng như cuộc đua mở rộng quy mô sản xuất ôtô trong những năm tới.

Tiếp tục thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ sản xuất ôtô tại Việt Nam, mới đây, Cục Công nghiệp và Công ty Toyota Việt Nam tổ chức Lễ kí kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ôtô và khởi động chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2023.

“Việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thông qua biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Công ty Toyota là một trong những mục tiêu quan trọng và hành động thiết thực nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết tại buổi kí kết.

Theo Toyota Việt Nam, trong năm nay, chương trình hợp tác sẽ triển khai mở rộng cho các nhà cung cấp thuần Việt.

Theo đó, Toyota Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển một số nhà cung cấp đạt trình độ để trở thành các công ty nòng cốt, tiếp tục triển khai nhân rộng những kiến thức đã được Toyota Việt Nam đào tạo để lan tỏa sự hỗ trợ tích cực tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn