MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ kinh tế. Ảnh: Vũ Long

Công nghiệp tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Vũ Long LDO | 23/05/2022 07:51

Công nghiệp được xác định tiếp tục là động lực chính thúc đẩy kinh tế năm 2022 và giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Những điểm sáng đáng khích lệ

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,1%), đóng góp 6,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; khai khoáng tăng 2,6%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,1%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Tuấn Anh - Chủ tịch JCI Việt Nam nhấn mạnh: TPHCM đang rất nỗ lực để lấy lại đà phát triển, xứng đáng với vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP trên địa bàn TPHCM tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%; sản xuất và phân phối điện tăng 8,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,3%...

Tốc độ IIP một số ngành công nghiệp trọng điểm. Nguồn: GSO 

IIP tỉnh Đắk Lắk trong 4 tháng đầu năm ước tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các nhà máy đã nỗ lực tăng năng suất hoạt động, đa số sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Là ngành sản xuất công nghiệp đạt chỉ số tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu dệt may đã mang về gần 11 tỉ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là con số đáng ghi nhận trong điều kiện khó khăn khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraina…

Ngành gỗ cũng tăng trưởng lạc quan trong 4 tháng qua, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5,48 tỉ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu năm 2022 có thể tăng từ 5-8%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng

Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, một trong những điểm sáng của sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, (đây cũng là ngành quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp) tăng khá với mức tăng 8,3% so cùng kỳ. Sản xuất của nhiều ngành trọng điểm thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 20,1%; thiết bị điện tăng 19,1%; sản xuất da, các sản phẩm có liên quan và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn cùng tăng 12,8%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,1%; các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 9,8%...

“Với những kết quả tích cực trên, có thể thấy ngành công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và vẫn tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành kinh tế” – bà Nguyễn Thị Hương khẳng định.

Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cũng đánh giá: Qua kết quả tăng trưởng ngành công nghiệp có thể thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có sự thích ứng tốt với bối cảnh mới, khả năng chống chịu tăng lên và các doanh nghiệp đều nỗ lực tìm lối đi riêng cho mình, vượt lên điều kiện khó khăn của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp từ 7-8% trong năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức bởi những khó khăn mà nền kinh tế trong nước và thế giới đang phải đối mặt do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, tình hình lạm phát leo thang ở một số quốc gia là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Chính vì vậy, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, đòi hỏi ngành công nghiệp phải phát huy tối đa vai trò “cột trụ” để tạo đòn bẩy cho các ngành khác cùng tăng trưởng.

Cụ thể, đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt đã đưa ra một số mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể nhằm phát triển bền vững, hiệu quả: Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỉ USD vào năm 2025; đạt 25 tỉ USD vào năm 2030. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỉ USD vào năm 2025, trên 6 tỉ USD vào năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành gỗ tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế từ các FTA…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn