MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là khẩn trương khống chế dịch bệnh, một mặt đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, chủ động nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất. Ảnh: Kh.V

Công nghiệp vượt khó trong dịch COVID-19: Tìm thị trường nguyên phụ liệu mới

Phong Nguyễn LDO | 06/03/2020 09:19
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết mọi hoạt động sản xuất, dịch vụ trong 2 tháng đầu năm 2020: Chỉ số công nghiệp tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ; tổng mức  bán lẻ thấp; hoạt động vận tải giảm sâu; lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh… Dự báo tình hình kinh tế có nguy cơ trầm lắng trong cả quý I và II/2020, cần nhiều giải pháp căn cơ để khắc phục.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế giảm

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng qua, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 2 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 4,8%; sản xuất đồ uống giảm 3,1%; sản xuất thiết bị điện giảm 2,9%...

Bên cạnh đó, hoạt động vận tải tháng 2.2020 cũng giảm sâu so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do dịch COVID-19 đã hạn chế vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Vận tải hành khách tháng 2 ước tính đạt 400 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 15,8% so với tháng trước.

Từ những số liệu nêu trên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, phải rất khó khăn để giữ được mục tiêu tăng trưởng 6,8% bởi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

 Song hành khống chế dịch bệnh và ổn định sản xuất

Bộ Trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Dù ưu tiên hiện nay là chống dịch, nhưng không được quên nhiệm vụ duy trì, ổn định sản xuất để tránh bị tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 2.3.2020, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long nhấn mạnh: Để đảm bảo tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phải khống chế được dịch bệnh, mặt khác phải đánh giá lại một cách toàn diện các chịu tác động của COVID-19, từ đó đưa ra giải pháp căn cơ để thực hiện.

“Đối với các ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu, cần phải xem xét để tìm kiếm thị trường mới có nguồn nguyên vật liệu có mức giá tương đương để nhập nguyên liệu, mặt khác đẩy mạnh hoạt động sản xuất nguyên liệu phụ trợ, không phụ thuộc quá nhiều vào 1 vài thị trường. Đối với các nước đang bị dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran… đang bị dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần siết chặt thủ tục xuất nhập cảnh. Nhưng đối với các nước không bị dịch bệnh, cần tạo điều kiện để tăng trưởng lượng hành khách du lịch vào Việt Nam, tăng nguồn thu ngoại tệ từ ngành du lịch” - TS Ngô Trí Long nói.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang cho rằng, dịch bệnh là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chính mình, thấy được các điểm yếu của nền kinh tế; từ đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng ngành để xây dựng nền kinh tế mạnh...

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch bệnh kết thúc trong quý I/2020, tăng trưởng GDP cả năm sẽ là 6,27%, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp trong quý I chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% và 9% của quý I các năm 2018 và 2019; nếu dịch bệnh kết thúc trong quý II, tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ còn 6,09%, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ tăng 5,33% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể cho với con số 8,34% và 9,24% của quý II các năm 2018 và 2019.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn