MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công thức tính giá xăng dầu đang đề xuất lợi hại ra sao?

Anh Tuấn - Cường Ngô LDO | 21/07/2020 16:44
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương trình Chính phủ là việc xem xét thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu - yếu tố có thể khiến giá bán lẻ xăng dầu có nhiều thay đổi.

Cụ thể, tại điều 24 của dự thảo nghị định đã bổ sung điều 38a của Nghị định 83 về công thức giá cơ sở như sau:

Giá cơ sở xăng dầu = Giá nhập khẩu x Tỷ lệ sản lượng nhập khẩu + Giá sản xuất trong nước x Tỷ lệ nhập khẩu.

Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng giá xăng dầu thế giới + chi phí định mức tối đa đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam + chi phí kinh doanh định mức tối đa + mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu + lợi nhuận định mức + các khoản thuế, phí và trích nộp khác theo quy định.

Còn với giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án tính toán.

Phương án 1, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng giá thế giới cộng hoặc trừ Premium (nếu có) cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá... theo quy định.

Premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng. Khoản chênh lệch này do Bộ Tài chính xác định, không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất.

Phương án 2, giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước là giá bán xăng dầu bình quân của các nhà máy lọc dầu cộng các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá... theo quy định.

Với phương án 1, Bộ Công thương cho rằng sẽ thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá khi ngoài biến số đầu vào là giá thế giới thì các chi phí định mức khác đều có thể kiểm soát được, đồng thời không làm phát sinh thủ tục cho doanh nghiệp như phải kê khai giá bán, không gây xáo trộn đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện hành.

Hạn chế là sẽ có thể chưa phản ánh hết thực tế mua bán xăng dầu từ nguồn trong nước. Nếu hiểu không đúng bản chất hoạt động kinh doanh xăng dầu sẽ có những ý kiến dư luận trái chiều. Bởi trong bối cảnh xăng dầu được mua từ nguồn trong nước chiếm đa số (năm 2019 là 75 - 80%); giá mua bán là do doanh nghiệp trong nước được quyết định và thỏa thuận đàm phán với doanh nghiệp đầu mối.

Bộ Công Thương đề xuất các phương án tính giá xăng dầu. Ảnh: Petrolimex 

Tuy nhiên, thực tế việc thỏa thuận vẫn phải dựa trên giá xăng dầu thế giới để áp dụng tính giá nhưng do không được kiểm soát nên có thể dẫn đến tình trạng nâng mức chi phí phụ phí lên quá cao để hưởng lợi.

Còn phương án 2 sẽ tạo bước đệm giúp giá cơ sở tiệm cận thị trường, khi nguồn trong nước đã bảo đảm được 70 - 80%, nhất là khi trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn 2 doanh nghiệp lọc dầu trong nước.

Sau những phân tích, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét lựa chọn phương án 1, với giá xăng dầu trong nước tính dựa trên giá thế giới.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thành viên ban soạn thảo cho biết, phương án nào cũng có ưu, nhược điểm song tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước theo phương án 1 sát thực tế, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn