MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Doanh nghiệp dệt may gặp khó. Ảnh: Vũ Long

Công ty dệt may cắt giảm nghìn nhân sự, thanh lí tài sản vẫn không thoát lỗ

Thanh Giang LDO | 29/10/2023 12:26

Đơn hàng sụt giảm khiến loạt doanh nghiệp ngành dệt may đi lùi trong quý III/2023. Có doanh nghiệp thậm chí cắt giảm cả nghìn nhân sự, thanh lý tài sản vẫn không thể khắc phục tình trạng kinh doanh thua lỗ.

Đơn hàng sụt giảm

CTCP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023, ghi nhận doanh thu vỏn vẹn 73 triệu đồng, giảm mạnh so với số doanh thu hơn 11 tỉ đồng tại thời điểm quý III/2022. Đồng thời, doanh nghiệp này báo lỗ trước thuế hơn 10 tỉ đồng, tăng lỗ thêm 1 tỉ đồng so với quý III/2022 (lỗ 9 tỉ đồng).

Giải trình cho biến động về kết quả kinh doanh trong quý vừa qua, bà Nguyễn Minh Hằng - Tổng giám đốc GMC - thông tin, trong quý III/2023, công ty không có đơn hàng nên doanh thu giảm sâu so với quý III/2022. Phần doanh thu đưa về chỉ là doanh thu dịch vụ.

Mặc dù công ty đã tiết giảm chi phí, tuy nhiên, do đơn giá thuê đất tăng làm tăng chi phí quản lý trong kì. Từ những yếu tố trên làm kết quả kinh doanh quý III của công ty tiếp tục thua lỗ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, GMC đưa về hơn 8 tỉ đồng doanh thu, giảm 97% so với 9 tháng đầu năm 2022, lỗ sau thuế 37 tỉ đồng, trong khi cùng kì doanh nghiệp lỗ hơn 3 tỉ đồng.

Không đến mức phải thua lỗ như CTCP Garmex Sài Gòn, tuy nhiên một loạt doanh nghiệp ngành dệt may khác cũng báo lợi nhuận quý III/2023 đi lùi so với cùng kì năm ngoái.

Đơn cử, kết thúc quý vừa qua, doanh thu CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) đạt gần 378 tỉ đồng, giảm 27%, lợi nhuận trước thuế đạt 18 tỉ đồng, giảm 68%.

Phía Sợi Thế kỷ cho biết, trong 3 tháng vừa qua, doanh số và giá bán bình quân đi lùi chủ yếu đến từ việc các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng.

Tính chung cho cả 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Sợi Thế Kỷ đạt 1.073 tỉ đồng và 57 tỉ đồng, giảm lần lượt 36% và 74% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Lợi nhuận loạt doanh nghiệp dệt may quý III/2023 đi lùi so với cùng kì. Ảnh: Chụp màn hình.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế CTCP Dệt may Huế (UPCoM: HDM) trong quý III/2023 đạt 20 tỉ đồng, giảm tới 70% so với cùng kì năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng, lãi trước thuế công ty thu về khoảng 87 tỉ đồng, giảm 44% so với 9 tháng đầu năm 2022.

Giải trình về nguyên nhân khiến lợi nhuận đi lùi, ông Nguyễn Văn Phong - Tổng giám đốc Dệt may Huế - cho biết, trong kì, doanh thu tiêu thụ của công ty sụt giảm do nhu cầu mua sắm các sản phẩm ngành dệt may giảm rõ rệt. Các đơn hàng may giảm về cả số lượng và đơn giá bán.

Đồng thời, nhu cầu và giá bán của ngành sợi vẫn biến động khó lường, chưa có sự cải thiện trong giai đoạn đầu năm 2023. Giá bán sợi giảm mạnh so với cùng kì.

Tương tự, các doanh nghiệp dệt may khác như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM), Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) cũng báo lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm 2023 đi lùi so với cùng kì.

Điểm sáng hiếm hoi trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may thuộc về Tổng Công ty May 10 - CTCP (UPCoM: M10), khi ghi nhận lãi trước thuế quý III/2023 đạt 38 tỉ đồng, tăng 26% so với quý III/2022. Thế nhưng tính chung 9 tháng qua, lợi nhuận công ty chỉ tăng khoảng 1% so với cùng kì, đạt 93 tỉ đồng.

Cắt giảm nghìn nhân sự, thanh lý tài sản vẫn không thoát lỗ

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), tổng cầu dệt may thế giới năm nay có khả năng giảm từ 8-10%, do vậy, ngành dệt may Việt Nam còn khó khăn ít nhất đến hết năm nay và sang đầu năm 2024. Dự báo, xuất khẩu dệt may Việt Nam năm nay chỉ có thể đạt trên dưới 40 tỉ USD, giảm khoảng 9-10% so với năm 2022.

Tuy nhiên, VITAS cũng “hé lộ” những tín hiệu tích cực của sự phục hồi khi gần đây, đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… đến tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng nhanh so với các tháng trước đó. Hiện Doanh nghiệp dệt may phải thay đổi để thích nghi với khó khăn của thị trường.

Đơn cử, để đối phó với tình trạng không có đơn hàng, CTCP Garmex Sài Gòn cân đối lại nhân sự, thu hẹp quy mô hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm thiệt hại. Đồng thời, công ty tiếp tục tiết kiệm chi phí, rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng đến. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho hay vẫn không khắc phục được tình trạng lỗ luỹ kế trên báo cáo tài chính.

Được biết, tính tới cuối tháng 9.2023, nhân sự của GMC chỉ còn 37 người, giảm 4 người so với cuối tháng 6 và giảm 1.947 người so với đầu năm. Tính từ đầu năm 2021, Công ty mạnh tay cắt giảm đến 3.775 nhân viên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn