MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công ty Nước mặt Sông Đuống đã ghi nhận hơn 228 tỉ đồng doanh thu trong năm 2019.

Công ty Nước mặt Sông Đuống làm ăn ra sao sau khi vận hành chính thức?

Hải Linh LDO | 30/09/2020 16:24

Sau khi được khánh thành ngày 5.9.2019 và được lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn nút phát nước giai đoạn 1 ngày 13.10.2019, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã ghi nhận hơn 228 tỉ đồng doanh thu trong năm 2019.

Vận hành 3 tháng doanh thu hơn 228 tỉ

Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống do Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống làm chủ đầu tư có quy mô 65ha, dự kiến cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu hộ dân tại 8 quận, huyện của TP Hà Nội. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỉ đồng.

Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư tại quyết định số 2869/QĐ-UBND ký ngày 3.6.2016.

Báo cáo tài chính các năm 2017 và 2018 cho thấy trong giai đoạn triển khai dự án, Công ty Nước mặt Sông Đuống không phát sinh doanh thu, chỉ ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp. Đến hết năm 2018, Nước mặt Sông Đuống lỗ lũy kế 16,6 tỉ đồng.

Ngày 5.9.2019, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống chính thức được khánh thành. Hơn 1 tháng sau, ngày 13.10.2019, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1.

Theo báo cáo tài chính 2019, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã ghi nhận hơn 228 tỉ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm ngoái. Giá vốn bán hàng chiếm 162,2 tỉ đồng dẫn tới lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 65,8 tỉ đồng.

Trong kỳ, Công ty Nước mặt Sông Đuống cũng ghi nhận hơn 5,6 tỉ đồng doanh thu tài chính.

Song song với việc ghi nhận doanh thu, Công ty Nước mặt Sông Đuống cũng ghi nhận chi phí tài chính lên tới 242,9 tỉ đồng; chi phí bán hàng hơn 4 tỉ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 2 lần so với 2018, ở mức 15,6 tỉ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, kết thúc năm 2019, Công ty Nước mặt sông Đuống lỗ lũy kế 186,3 tỉ đồng, cao gấp 11 lần con số 16,6 tỉ đồng của năm 2018.

Trong năm 2019, vốn chủ sở hữu của Công ty Nước mặt Sông Đuống cũng giảm từ 1.006 tỉ đồng đầu kỳ xuống 813,2 tỉ đồng cuối kỳ.

Trong khi nguồn vốn chủ sở hữu chỉ quanh mức 1.000 tỉ đồng nhưng tổng mức đầu tư của dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống giai đoạn 1 lên tới 5.000 tỉ đồng nên phụ thuộc nhiều vào vốn vay.

Năm 2019, nợ phải trả của Công ty Nước mặt sông Đuống tăng hơn 1.200 tỉ đồng, từ 2.733 tỉ đồng đầu kỳ lên tới 3.956 tỉ đồng cuối kỳ.

Trong hơn 3.956 tỉ đồng nói trên, nợ vay tài chính dài hạn là 3.506 tỉ đồng, tăng mạnh so với 2.483 tỉ đồng của năm 2018.

Chi phí lãi vay tính vào giá thành nước

Hồi cuối năm ngoái, dư luận hoài nghi về việc giá nước của Công ty Nước mặt Sông Đuống cao gần gấp đôi các công ty cấp nước khác trên địa bàn thủ đô. Cụ thể, UBND TP.Hà Nội vào tháng 7.2017 đã ký Quyết định 3310 tạm tính giá nước sạch Sông Đuống ở mức 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và còn có lộ trình tăng giá 7%/năm.

Tại thời điểm đó, giải thích về giá nước, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội - ông Nguyễn Việt Hà cho biết ước tính chi phí lãi vay của dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước, tương đương 2.103 đồng/m3; chi phí khấu hao rơi vào khoảng 2.100 đồng/m3.

Quay trở lại tình hình tài chính của Công ty Nước mặt Sông Đuống, tại ngày 31.12.2019, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 4.770 tỉ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn là 4.341 tỉ đồng. Do Nhà máy nước mặt Sông Đuống được chính thức khánh thành giai đoạn 1 hồi tháng 9 năm ngoái nên tài sản cố định của công ty tăng vọt từ 6,85 tỉ đồng lên 3.386 tỉ đồng. Xây dựng cơ bản dở dang giảm từ 3.223 tỉ đồng năm 2018 xuống hơn 952 tỉ đồng năm 2019.

Kết thúc năm 2019, Công ty Nước mặt Sông Đuống ghi nhận số dư tiền và các khoản tương đương tiền là 95,7 tỉ đồng. Trong đó, tiền là 13 tỉ, các khoản tương đương tiền 81,8 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn