MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh, lương thực, thực phẩm chế biến sẵn tăng đẩy CPI quý I/2020 tăng. Ảnh: Kh.V

COVID-19 tác động, CPI quý 1 tăng 5,56%, cao nhất trong 5 năm

Khánh Vũ LDO | 27/03/2020 15:03

CPI tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân quý I cao nhất trong 5 năm giai đoạn 2016 -2020. Lạm phát cơ bản tháng 3 năm 2020 giảm 0,06% so với tháng trước.

Chiều 27.3.2020, Tổng cục Thống kê công bố, do những  động như: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng virus mới gây ra (SARS-CoV-2); cuộc chiến giá dầu giành thị phần thế giới giữa tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga làm cho giá xăng dầu thế giới giảm mạnh; nguồn cung gia cầm dồi dào là các nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2020 giảm 0,72% so với tháng trước.

Tuy nhiên, CPI tháng 3.2020 tăng 0,34% so với tháng 12.2019, tăng 4,87% so với cùng kỳ năm trước.

“Bình quân quý I năm 2020, CPI tăng 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 - mức tăng bình quân quý I cao nhất trong 5 năm giai đoạn 2016 -2020” – ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Điều đáng chú ý là, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng so với tháng trước, CPI tháng 3.2020 giảm 0,72%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, gồm: Giao thông vận tải: Giảm 4,87%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,4%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,43%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,25%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,15%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

Có 4 nhóm hàng tăng giá là: Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; Giáo dục tăng 0,04%.

Phân tích về các nguyên nhân tăng giá tiêu dùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, tác động chính vẫn bởi giá gạo tăng 1,39% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu tiêu dùng và dự trữ gạo của người dân tăng.

Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… tăng. Ước quý I/2020 xuất khẩu gạo tăng 1,1% về lượng và tăng 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 0,37%, giá nước sinh hoạt tăng 1,65% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, người dân hạn chế ra ngoài nên nhu cầu sử dụng điện, nước sinh hoạt tăng cao hơn.

Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh, lương thực, thực phẩm chế biến sẵn tăng nên giá các mặt hàng này tăng từ 0,15% - 0,39% so với tháng trước.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá các mặt hàng như: Xăng dầu, gas, thịt gia cầm, hoa quả tươi… giảm, đã góp phần kìm đà tăng CPI quý I/2020.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn