MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

CPI 4 nhóm hàng ngược dòng tăng giá trong tháng 4

Xuyên Đông LDO | 29/04/2023 18:26
Theo thông tin từ Tổng Cục thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 4.2023 giảm 0,34%. Thế nhưng trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 4 nhóm hàng tăng giá.

Cụ thể, nhóm hàng hóa dịch vụ giao thông tăng 0,43%. Theo lý giải của Tổng cục Thống kê, nhóm hàng này tăng giá là do giá xăng trong nước tháng qua tăng 1,09% so với tháng trước. Giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,26%; đường thủy tăng 1,3%; xe buýt tăng 0,71% và taxi tăng 0,09%; vận tải hành khách kết hợp tăng 0,7%.

Ngoài ra, do nhu cầu dịp nghỉ lễ, phí thuê ôtô, xe máy tự lái tăng lên 0,03%. Bên cạnh đó, phí học bằng lái xe tăng 0,11% do nhu cầu cao.

Thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu đồ uống của người dân tăng cao. Ảnh Xuyên Đông

Cùng với nhóm hàng giao thông, nhóm đồ uống và thuốc lá cũng tăng 0,12%. Mặt hàng này tăng giá là do thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng. Cụ thể, giá nước khoáng tăng 0,12%; nước uống tăng lực đóng chai, lon tăng 0,04%. Rượu vang và thuốc lá lần lượt tăng 0,29% và 0,36% so với tháng trước.

Ngoài ra, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng 0,02%. Nguyên nhân của việc tăng giá mặt hàng này chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh nên người dân tập trung mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch. Trong đó, giá nhóm thuốc vitamin, khoáng chất tăng 0,33%; nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,19%; nhóm thuốc tim mạch tăng 0,11%; giá nhóm thuốc về đường tiêu hóa tăng 0,06%.

Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,64% (dụng cụ cá nhân không dùng điện tăng 0,35%; hàng chăm sóc cơ thể tăng 0,46%); dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,32%.

Chỉ số CPI một số mặt hàng, dịch vụ chủ yếu tháng 4.2023. Biểu đồ. Tổng Cục thống kê

Cũng theo Tổng cục thống kê, mặc dù CPI tháng 4 giảm nhưng tính chung 4 tháng đầu năm 2023, CPI của Việt Nam vẫn tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng cục thống kê phân tích, nguyên nhân chủ yếu khiến CPI 4 tháng đầu năm tăng là do chỉ số giá nhóm giáo dục bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 9,08% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch.

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng 4 tháng qua cũng tăng 6,67% so với cùng kỳ năm trước, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao.

Ngoài ra, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,42% do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng 0,2 điểm phần trăm.

Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 4,02% chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán tăng.

Giá điện sinh hoạt  cũng tăng 2,39% do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta vẫn thấy được nhiều dấu hiệu tích cực làm kìm chế CPI 4 tháng qua. Đó là giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm đã giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới.

Cùng với giá dầu, giá gas trong nước giảm 6,73% theo giá thế giới.

Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông cũng giảm 0,28% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn