MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người trồng mía ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thắng lợi niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: Phương Anh

Cù Lao Dung mùa mía ngọt

PHƯƠNG ANH LDO | 28/02/2024 09:28

Những ngày này, tại các cánh đồng mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) đang vào vụ thu hoạch. So với những mùa vụ trước, giá mía năm nay tăng cao hơn từ 70 - 100 đồng/kg. Bà con nông dân thu hoạch mía vô cùng phấn khởi.

Lợi nhuận 70 triệu đồng/ha

Vừa thu hoạch 1 ha mía, ông Nguyễn Văn Út ở xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) phấn khởi cho biết năng suất mía năm nay khoảng 120 tấn/ha, tăng từ 10 - 20 tấn so với niên vụ trước đó. Mía được Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng thu mua với giá 1.320 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ từ 70 - 100 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/ha.

Theo ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã mía Cù Lao Dung, niên vụ mía 2023-2024, Hợp tác xã canh tác gần 500ha mía, chủ yếu là giống mía Khonkean 3, Roc 16, K95-156.

Ông Thanh cho biết, nhờ các chính sách đầu tư vùng nguyên liệu nên bà con xã viên yên tâm về vật tư đầu vào để sản xuất. Ngoài ra khi được thu mua với mức giá tương đối cao, trừ các khoản chi phí phân bón, công chăm sóc thì lợi nhuận tăng 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Toàn huyện Cù Lao Dung có khoảng 2.700ha mía, hiện đã thu hoạch khoảng 700ha, năng suất bình quân 120tấn/ha (chữ đường từ 9-11 CCS).

Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân trồng mía, như cây giống, phân bón và bao tiêu mía cho nông dân.

Mía được vận chuyển đến Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh

Ông Trần Ngọc Hiếu - Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng cho hay, niên vụ mía 2023-2024, Công ty xây dựng vùng nguyên liệu trên 3.400 ha tại tỉnh Sóc Trăng. Ngay từ đầu vụ, Công ty đã đầu tư vốn không lãi suất để nông dân mua phân bón, mía giống, công chăm sóc, làm đất, cải tạo đất với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 12 tổ hợp tác và 1 hợp tác xã trồng mía với diện tích gần 1.000 ha.

Ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung cho hay niên vụ 2023 - 2024, có 60% diện tích mía trên địa bàn huyện đã được Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra nên bà con rất an tâm sản xuất; cùng với đó, giá bao tiêu luôn đem về lợi nhuận tốt cho bà con trồng mía.

Lao động có thu nhập khá từ cây mía

Khoảng 3 năm trở lại đây, cây mía ở huyện Cù Lao Dung không chỉ mang đến “vị ngọt” cho người trồng mà những lao động nông nhàn cũng có thu nhập nhờ cây mía.

Bà Trần Thị Liễu ở xã Đại Ân 1 - cho biết, 20 năm nay đi đốn (thu hoạch) mía thuê là công việc mang đến thu nhập chính cho gia đình.

“Nhà không có ruộng đất, nên tôi đi đánh lá (dọn lá mía già) rồi đốn mía thuê cho những người trồng mía ở địa phương. Đốn 1 tấn mía tiền công được trả từ 200.000 - 300.000 đồng tùy khoảng cách xa gần”, bà Liễu nói.

Theo bà Liễu, 1 giờ sáng là bà bắt đầu đến ruộng mía, đốn đến khoảng 7-8 giờ sáng thì về, mỗi ngày đốn từ 1 - 2 tấn mía. Thu nhập khoảng 300.000 đồng.

Hàng trăm lao động ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) có thu nhập khá từ thu hoạch mía thuê. Ảnh: Phương Anh

Tương tự, anh Trần Thanh Nhân ở xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) - cho biết năm nay, mía được giá nên tiền công đốn, vác mía cũng được cải thiện. Bình quân, vác mỗi tấn mía được trả công 250.000 - 350.000 đồng, những đám mía có khoảng cách xa thì có giá cao hơn. Thời điểm này, với người chịu khó, làm giỏi thì có thể kiếm được 500.000 - 600.000 đồng mỗi ngày.

“Đây là một khoản rất lớn đối với người lao động phổ thông như chúng tôi", anh Nhân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn