MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) yên tâm vì đã được bao tiêu đầu ra. Ảnh: Phương Anh

Cù lao mía hồi sinh

PHƯƠNG ANH LDO | 24/02/2024 12:25

Nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) từng rất khốn đốn, lao đao vì giá mía liên tục giảm, nhiều hộ đã quay lưng với loại cây trồng này. Tuy nhiên, khi được Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng liên kết tiêu thụ đầu ra thì câu chuyện này lại khác, người dân liên tục đón nhận những mùa mía ngọt.

Yên tâm trồng mía vì đã được bao tiêu

Là người gắn bó gần cả cuộc đời với cây mía, ông Nguyễn Văn Út ở xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cho biết, từ năm 2019 đến nay người trồng mía luôn có lợi nhuận khá cao và ổn định vì đã được Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng liên kết tiêu thụ mía sau thu hoạch.

“Ngoài ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, công ty còn hỗ trợ tiền vốn không tính lãi để đầu tư mua giống mía, vật tư nông nghiệp, kể cả thuê mướn nhân công lao động” - ông Út nói.
Ông Út cho biết thêm, niên vụ mía 2023-2024, gia đình sản xuất 1ha, năng suất hơn 120 tấn/ha, trừ các khoản chi phí lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha, tăng 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ông Huỳnh Trung Kiên - một nông dân trồng mía ở xã Đại Ân 1 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) cho hay ông có 1ha trồng mía bán cho Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng theo hợp đồng.

Nhà máy thu mua mía theo chữ đường (độ đường) nếu đạt 10 chữ đường thì giá 1.320 đồng/kg, nếu cao hơn hoặc thấp hơn 10 chữ đường thì thêm hoặc giảm 100 đồng/chữ đường.
“Từ khi được công ty bao tiêu đầu ra, tôi và bà con nơi đây đã yên tâm khi trồng mía và sắp tới vẫn sẽ duy trì diện tích vì đầu ra cây mía đã rất tốt” - ông Kiên nói.

Theo Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, niên vụ mía 2023-2024, công ty xây dựng vùng nguyên liệu trên 3.400ha tại tỉnh Sóc Trăng; trong đó, huyện Cù Lao Dung gần 3.000ha và huyện Mỹ Tú 400ha. Ngay từ đầu vụ, công ty đã đầu tư vốn không lãi suất để nông dân mua phân bón, mía giống, công chăm sóc, làm đất, cải tạo đất với tổng kinh phí gần 30 tỉ đồng.

Ông Võ Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã mía Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - cho biết, nhờ các chính sách đầu tư vùng nguyên liệu nên bà con xã viên yên tâm về vật tư đầu vào để sản xuất.

Ngoài ra khi được thu mua với mức giá tương đối cao, trừ các khoản chi phí phân bón, công chăm sóc thì lợi nhuận đạt từ 70 triệu đồng/ha trồng mía.

Giữ vững vùng nguyên liệu

Theo ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) trước đây, diện tích mía trên địa bàn huyện từ 8.500 - 8.600ha.

Do giá mía giảm sâu, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con nông dân nên địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển một phần diện tích đất mía kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây ăn trái hay các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại, diện tích mía trên địa bàn huyện là 2.700ha.

Theo ông Đắc, 3 niên vụ mía gần đây, Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng thực hiện chính sách hỗ trợ, ký kết tiêu thụ mía nguyên liệu giúp người trồng có lợi nhuận khá cao, nên nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng mía trở lại.

“Niên vụ 2023 - 2024, có 60% diện tích mía trên địa bàn huyện đã được Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra nên bà con rất an tâm sản xuất; cùng với đó, giá bao tiêu luôn đem về lợi nhuận tốt cho bà con trồng mía” - ông Đắc nói.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho nông dân thực hiện ký kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng nhằm ổn định đầu ra và lợi nhuận cho người trồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn