MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cửa hàng tiện lợi chỉ phục vụ ở phạm vi 500m: Đi ngược quy luật cung - cầu

Văn Thanh LDO | 14/07/2022 08:15

Cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m... là một trong những quy định về hạ tầng thương mại vừa được Bộ Công Thương xây dựng. Tuy nhiên, ngay lập tức quy định này vấp phải sự phản đối của dư luận.

Đi ngược quy luật cung - cầu, cạnh tranh thị trường

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại. Nội dung chính của thông tư là yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi phải tự phân loại theo tiêu chí. 

Dự thảo cũng có quy định về định về tiêu chí cửa hàng tiện lợi như phải có diện tích từ 30m2 đến 200m2, đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m...

Tuy nhiên, dự thảo này của Bộ Công Thương vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng mạng, các chuyên gia và nhiều tổ chức kinh tế.

Góp ý với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan này bỏ đề xuất cửa hàng tiện lợi bán cho khách trong phạm vi dưới 500m vì không khả thi.

Theo VCCI, quy định như vậy, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng sinh sống tại đâu. Trong trường hợp cửa hàng tiện lợi phục vụ khách mua hàng ngoài phạm vi 500m thì sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt.

Ngoài ra, VCCI còn cho rằng, dự thảo thông tư về phát triển hạ tầng thương mại của Bộ Công Thương có nhiều quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Ví dụ như dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng.

VCCI cho rằng, điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp tăng sự thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách. Do đó, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước.

"Các quy định trong dự thảo can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp", VCCI đánh giá.

Đề xuất cửa hàng tiện lợi 'chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500 m. Ảnh: LDO 

Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia về thị trường cũng cho biết, nhiều nội dung trong dự thảo còn khá chung chung và không phù hợp.

Đơn cử như quy định với cửa hàng tiện lợi là "chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân". Điều này đặt ra câu hỏi liệu nhân viên cửa hàng có được lấy giúp hoặc lựa đồ cho khách hay không?

Theo chuyên gia, khu vực đông dân đúng là chỉ cần trong vòng bán kính 500m, nhưng với khu vực thưa dân thì phải hơn 1km. Cho nên cần tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với sự phân bố của dân cư và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, không phải ý chí chủ quan của mệnh lệnh hành chính.

"Tôi cũng là người dân trải nghiệm dịch vụ của một số cửa hàng tiện lợi thuộc nhiều chuỗi hệ thống khác nhau, cho nên quy định đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m là bất hợp lý.

Bởi cửa hàng tiện lợi nếu chỉ phục vụ cho khách ở gần, trong một phạm vi nào đó là đi ngược lại quy luật cung cầu, cũng đi ngược lại với quy luật cạnh tranh thị trường. Khách hàng đi xa hơn để chọn nơi có dịch vụ tốt hơn, sản phẩm đa dạng hơn hoặc đơn giản vì thích trải nghiệm dịch vụ, không gian ở đó.

Nhân viên tại các cửa hàng tiện lợi cũng có hạn, không nhẽ phải tuyển thêm vị trí chỉ để kiểm tra địa chỉ thường trú, tạm chú của khách hàng.

Theo tôi, vấn đề quan trọng nhất mà Bộ Công Thương cần tập trung là phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng lưu hành trong nước. Đưa ra những giải pháp kịp thời để ổn định giá xăng, dầu…

Đồng thời, góp phần tạo điều kiện thuận lợi và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và thực hiện những chức năng, nhiệm vụ khác trong phạm vi quản lý của Bộ" vị chuyên gia cho hay.

Bộ Công Thương nói gì

Liên quan quy định này, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết quy định "Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m" tại dự thảo Thông tư (ở Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi.

Theo cơ quan này, tiêu chí đó nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Ngoài ra thẩm quyền và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đối với lĩnh vực thương mại thực hiện theo Nghị định 98 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân. Tới nay, Bộ đã nhận được 69 ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư, trong đó có 5 bộ/ngành, 5 UBND cấp tỉnh, 11 đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 48 Sở Công Thương các tỉnh/thành phố.

Bộ đang đôn đốc các đơn vị, địa phương, hiệp hội khẩn trương gửi ý kiến để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện dự thảo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn