MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cục Điện lực & NLTT nói gì khi hàng loạt địa phương xin làm điện gió

Cường Ngô LDO | 16/12/2021 19:07

Sau khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi các địa phương yêu cầu báo cáo tổng hợp các đề xuất bổ sung nguồn điện và lưới điện chưa được phê duyệt để Bộ Công Thương tổng hợp, đến thời điểm này đã có 55 địa phương gửi đề xuất tới Bộ Công Thương, trong đó, hàng hoạt địa phương xin làm các dự án điện gió. Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng táo tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, cần tính toán để cân đối vùng miền.

Cần cân đối vùng miền và bài toán quy hoạch

Trao đổi với phóng viên Lao Động bên lề hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lại năng lượng sạch của Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) chủ trì, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, từ trước đến nay, quy mô xin bổ sung các dự án điện gió đều lớn hơn so với quy hoạch. Tuy nhiên, việc lựa chọn thế nào cần cân đối vùng miền và bài toán quy hoạch.

Theo đó, bài toán quy hoạch gồm nhiều yếu tố để xác định trong quy hoạch nguồn điện như dựa trên mô hình tính toán cực tiểu chi phí, kèm theo các ràng buộc. Ví dụ như ràng buộc về lưới điện liên kết, về cam kết giảm phát thải.

"Mỗi vùng miền sẽ đưa ra một cơ cấu nguồn điện theo từng giai đoạn. Đây sẽ là mục tiêu phát triển cho nhiều năm sau. Có thể quy mô này nhỏ hơn nhu cầu từng khu vực nhưng đó là kết quả tính toán tối ưu" - ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cho rằng, theo tính toán mới nhất của Viện Năng lượng, từ nay đến năm 2030, điện gió ngoài khơi sẽ được bổ sung khoảng 5.000MW, trong đó, miền Bắc là 2.000MW, miền Nam 3.000MW.

Đến năm 2045, điện gió ngoài khơi sẽ tăng lên rất lớn với quy mô công suất 41.000MW; tương ứng với gần 12% cơ cấu nguồn.

Ông Nguyễn Tuấn Anh trả lời Báo Lao Động. Ảnh: C.N 

Trả lời câu hỏi về việc công suất điện gió ngoài khơi ngày càng chiếm tỉ trọng lớn, vậy năng lực truyền tải liệu có đảm bảo?, ông Tuấn Anh khẳng định, với thị trường còn mới mẻ lại chịu ràng buộc phát triển lưới điện truyền tải, Việt Nam chưa tham gia nhiều vào trong chuỗi cung ứng với điện gió ngoài khơi.

Từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ tham gia với công suất nhất định để có thời gian tăng cường lưới điện truyền tải; đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển điện gió ngoài khơi.

"Mặc dù biết điện gió ngoài khơi rất tốt để thay thế dần nhiên liệu hoá thạch, nhưng phải có lộ trình, bước đầu ở quy mô giới hạn, sau khi có kinh nghiệm và sự tham gia của doanh nghiệp trong nước thì sẽ phát triển mạnh lên", ông Tuấn Anh nói.

Đạt từ 5-10GW mục tiêu lắp đặt điện gió ngoài khơi đến năm 2030?

Ông Nguyễn Đức Hiển – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26, với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thì đây là cơ hội lớn cho phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

"Điện gió ngoài khơi được đánh giá là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống. Tuy nhiên, đến nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam.

Vì vậy, cần các kịch bản cho phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030, khuyến nghị cho hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII" - ông Hiển cho hay.

Ông Keld Bennetsen - Phó chủ tịch, Copenhagen Offshore Partners (COP), đơn vị quản lý dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay, Việt Nam là nơi có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trên thế giới, tới 160 GW công suất gió với các khu vực gió tốt nhất ở phía Nam.

Tuy nhiên, ông Keld Bennetsen cũng chỉ ra những khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, đó là khung pháp lý.

"Chúng tôi hiểu rằng, khung pháp lý đang được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa rõ ràng với các nhà đầu tư. Chúng ta vẫn cần các hợp đồng mua bán điện (PPA) và các cơ chế để tạo thuận lợi cho các tổ chức tài chính quốc tế tham gia", ông Keld Bennetsen nói.

Tại hội thảo, ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (GWEC) cho hay, dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây đã đưa ra kịch bản mới về năng lượng điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác vào năm 2030. 

Trong đó, riêng với điện gió ngoài khơi sẽ đạt 4GW mục tiêu lắp đặt. Song, ông Mark cho rằng: "Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đạt từ 5-10GW mục tiêu lắp đặt điện gió ngoài khơi".

Ông Mark cũng kiến nghị, khi phát triển thị trường điện gió ngoài khơi cần cho phép 4-5GW đầu hưởng cơ chế giá FIT. Đồng thời, cần tinh giản quy trình cấp phép, giấy phép hàng hải, khu vực độc quyền. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn