MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"Cục máu đông" làm nghẽn kênh phát hành trái phiếu ra công chúng

Đức Mạnh LDO | 30/09/2022 18:14

Theo các chuyên gia, phát hành trái phiếu ra công chúng là điều nên hướng đến. Bởi đó là nơi doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng và giám sát chặt chẽ hơn, đồng thời cũng là nơi xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) - thông tin, trong thời gian vừa qua, có hiện tượng nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành ra công chúng nhưng lại chọn phát hành riêng lẻ. Bởi lẽ, phát hành ra công chúng phải có phê duyệt của đại hội đồng cổ đông, nộp hồ sơ lên cho Ủy ban Chứng khoán. Sau khi Ủy ban duyệt, họ tiếp tục nộp hồ sơ niêm yết và giao dịch như cổ phiếu niêm yết trên thị trường.

Nhưng vướng ở chỗ, hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán thường xử lý lâu, khiến doanh nghiệp không chủ động được thời gian phát hành và hoạt động kinh doanh, dẫn tới không biết khi nào mới có tiền. Trong khi phát hành riêng lẻ họ chủ động hết, chỉ cần mỗi trách nhiệm báo cáo.

Từ hiện tượng đó, lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng vọt, trong khi phát hành ra công chúng lèo tèo. Cụ thể, năm 2021  chỉ chiếm khoảng 5% tổng trái phiếu doanh nghiệp trên toàn thị trường. 95% còn lại có nhiều doanh nghiệp rất lớn, rất uy tín và có chất lượng nhưng lại không chọn phát hành ra công chúng.

"Thực chất, phát hành ra công chúng có lợi hơn phát hành riêng lẻ rất nhiều do huy động vốn được mọi đối tượng nhà đầu tư. Các ngân hàng phát hành trái phiếu ra công chúng lưu hành trên thị trường thì lãi suất chỉ bằng 1/2 so với doanh nghiệp khác. Ngoài ra, tính minh bạch, hạ tầng giao dịch thuận lợi hơn rất nhiều. Chi phí huy động vốn nhờ đó giảm hẳn và làm uy tín doanh nghiệp tăng lên. Vậy thì không ai dại gì không phát hành ra công chúng nếu không có một số vướng mắc", đại diện VBMA cho hay.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam.  

Vấn đề này còn cấp bách hơn khi hiện nay chúng ta siết chặt phát hành trái phiếu riêng lẻ mà không đồng thời mở nhanh thủ tục để xử lý hồ sơ cho phát hành ra công chúng.

"Hậu quả là thị trường sẽ có thời gian thậm chí kéo dài nửa năm đến 1 năm là bị tê liệt", theo ông Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Cụ thể, ông Nghĩa được biết, xử lý một bộ hồ sơ phát hành ra công chúng mất nhanh nhất là nửa năm và chậm nhất là 1 năm. Với một số tập đoàn lớn phát hành riêng lẻ có uy tín ở tầm quốc tế mà ông từng làm việc, họ thừa nhận chưa đủ "đẳng cấp" để phát hành ra công chúng ở Việt Nam. Cuối cùng vẫn chọn phát hành ra quốc tế với lãi suất rất cao. Nếu bây giờ nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam thì sẽ mất toàn bộ cơ hội kinh doanh.

Để giải quyết "cục máu đông" trong phê duyệt hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Ratings - đề xuất Việt Nam có thể học hỏi một số mô hình trong khu vực. Ví dụ ở Malaysia, nếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm AAA thì được phát hành ra công chúng và duyệt hồ sơ sau.

"Đương nhiên, trách nhiệm của cơ quan xếp hạng tín nhiệm rất quan trọng. Chúng tôi cũng phải nhận trách nhiệm. AAA tức là hồ sơ phải chuẩn chỉnh, doanh nghiệp "ngon", rủi ro thấp. Lúc đó nhà phát hành trái phiếu có thể được miễn nhiều thủ tục trong hoàn thiện và rà soát hồ sơ. Sau đó, đương nhiên cơ quan nhà nước vẫn hậu kiểm", ông Nguyễn Quang Thuân nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn