MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiêu hủy lợn mắc ASF tại Hưng Yên.

Cục Thú y "đoán" nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi vào sâu nội địa VN

Kh.V LDO | 20/02/2019 11:43

Với gần 300 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi phải bị tiêu hủy khẩn cấp tại 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, nhiều câu hỏi đặt ra tại sao 2 tỉnh sâu trong nội địa lại xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, trong khi các tỉnh vùng biên kề sát ngay ổ dịch lại không bị mắc bệnh?

Trước câu hỏi về thời điểm xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi (ASF), ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết thông tin về dịch ASF ở một số địa phương bắt đầu xuất hiện từ ngày 1.2.2019. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, tiêu hủy hoàn toàn đàn lợn tại ổ dịch, đồng thời đẩy mạnh giám sát, khoanh vùng để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Tại Hưng Yên, dịch ASF xuất hiện trên 2 địa bàn gồm TP.Hưng Yên và huyện Yên Mỹ, tổng số lợn bị tiêu hủy là 134 con.

Tại Thái Bình, dịch ASF xuất hiện ở 6 điểm chăn nuôi, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 123 con, chủ yếu là lợn con theo mẹ, lợn choai,…

“Cho đến thời điểm này, xung quanh khu vực phát hiện dịch bệnh không phát sinh ổ dịch mới và đã qua 18 ngày, ổ dịch về cơ bản được khống chế” – ông Phạm Văn Đông khẳng định.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh ASF (tài liệu do thành viên nhóm Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ)

Lý giải về lý do tại sao dịch ASF lại “vượt qua” hàng loạt tỉnh “đầu nguồn” để vào sâu trong nội địa, theo ông Phạm Văn Đông cho rằng, không loại trừ đàn chim di cư đã mang virus vào sâu khu vực đồng bằng bắc Bộ. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán lượng người di chuyển, giao thương… tăng lên.

Lợn mắc ASF khi mổ ra có thận tụ máu. (Ảnh: Khoa Thú y Học viện Nông nghiệp VN)

Tình trạng buôn lậu lợn từ bên kia biên giới về Việt Nam trong đợt giá lợn giữa 2 nước chênh lệch lớn cũng là nguyên nhân khiến virus gây ASF “du nhập" vào Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu như nguyên nhân lây bệnh bởi tình trạng nhập lậu lợn và các sản phẩm từ lợn, thì tại sao các nước giáp biên giới – nơi các hoạt động giao thương diễn ra khá tấp nập như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… lại không có dịch bệnh?

Hình ảnh nội tạng lợn bị ASF tại Hưng Yên.

Thiết nghĩ, ngành Thú y không nên “võ đoán”, mà cần thực sự bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân. Có như vậy, mới có thể ngăn chặn hiệu quả dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm sâu hơn vào Việt Nam.

Trước mắt, cần khoanh vùng tuyệt đối các ổ dịch, cấm toàn bộ tình trạng vận chuyển lợn giữa các vùng; tiến hành tiêu độc khử trùng… “Cấm tuyệt đối việc vận chuyển lợn từ vùng này sang vùng khác là yếu tố sống còn hiện nay để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, tình trạng cho lợn ăn thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán bia… cũng làm nguy cơ lây lan bệnh” – một chuyên gia trong lĩnh vực thú y nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Long –Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), biểu hiện rõ nhất của dịch tả lợn châu Phi là lợn sốt cao, trên 40 – 42 độ C; chết ở nhiều loại lợn và không chết ồ ạt. “Đây là loại bệnh không có khái niệm chữa trị, nên khi mắc bệnh, biện pháp duy nhất là tiêu hủy” – ông Long nói.

Tiêu hủy lợn mắc ASF tại Hưng Yên.

Kết quả giải trình tự gien cho thấy, tương đồng về nucleotide và axit amin của hai gien này với chủng virus ASF đang lưu hành tại Trung Quốc là 100% (Chủng virus Dịch tả Lợn Châu Phi phân lập tại Hưng Yên và Thái Bình giống nhau 100% và giống với Chủng virus dịch ASF gây bệnh tại Trung Quốc).

Hiện nay các nhà khoa học của Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu sâu và toàn diện về virus Dịch tả lợn Châu Phi để sớm có kết quả phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh của Cục Thú y, Bộ NNPTNT.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn