MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát ở Trung Quốc. Ảnh: Reuter.

Cúm gà H5N1 bùng phát tại Trung Quốc, Việt Nam sớm lên kế hoạch ứng phó

Khánh Vũ - Đặng Chung LDO | 03/02/2020 17:00

Trước việc dịch cúm H5N1 đang bùng phát tại Hồ Nam (Trung Quốc), ngành nông nghiệp ở Việt Nam đã tích cực tìm biện pháp phòng tránh lây lan bệnh dịch, tránh làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang bị chịu thiệt hại nặng nề do virus Corona, trên thế giới lại xuất hiện những ổ dịch cúm gia cầm, có nguy cơ lây lan.

Thông tin về tình hình cúm gia cầm trong khuôn khổ hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào chiều 3.2, ông Nguyễn Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ đầu tháng 1.2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời, đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh (3.000 con gà) vào ngày 21.1.2020; đến nay không phát sinh thêm gia cầm bệnh.

Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; việc tổ chức tiêm vắcxin cho đàn gia cầm đạt tỉ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phối cấp do chủng virus mới Corona gây ra.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp chủ động khuyến cáo, yêu cầu các hộ chăn nuôi tiêm vắcxin phòng bệnh cho đàn gia cầm trong quý I/2020. Lượng vắcxin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường là 55 triệu liều. 

Cũng theo ông Đông, Bộ Nông nghiệp đã xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Đến nay đã có tổng cộng hơn 820 chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm đạt an toàn dịch bệnh. 

Đồng thời Bộ có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và Ban Chỉ đạo quốc gia 389 đề nghị tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia cầm lậu vào Việt Nam. 

Thời gian tới, để phòng chống dịch cúm gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thực hiện hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắcxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm; triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh để kịp thời cảnh báo. 

Tổ chức tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2.2020.

Đồng thời, các đoàn ngành chức năng sẽ đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiến hành lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố (với tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm) cho kết quả, tỉ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với virrus cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn