MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS.TS Andreas Stoffers (bên trái) và ông Bugra Kilinc. Ảnh: Đức Mạnh

Củng cố hệ thống tài chính - bài học từ thị trường trái phiếu, bất động sản

GS.TS Andreas Stoffers và Bugra Kilinc - Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam LDO | 18/08/2023 16:47

Thực trạng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay cần giải pháp cơ bản và mang tính dài hạn để không gặp phải trở ngại tương tự trong tương lai.

Bối cảnh hiện tại

Trong những năm gần đây, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp nói chung tại Việt Nam tăng lên. Tuy nhiên, từ năm 2022 sang 2023, hoạt động này sụt giảm cùng với sự biến động chung của thị trường đã ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường tín dụng suy yếu được kích hoạt bởi các yếu tố như lãi suất tăng, chu kỳ đầu cơ bất động sản, thắt chặt tín dụng ngân hàng và sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân thiếu kiến thức dẫn đến lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Để hiểu đầy đủ về tình trạng trái phiếu hiện nay ở Việt Nam, cần xem lại bài học từ thị trường bất động sản vì hai thị trường này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong đại dịch COVID-19, bất động sản phải đối mặt với nhiều thách thức như lãi suất tăng, lạm phát, tiến độ xây dựng chậm và cho vay ngân hàng giảm. Để khắc phục các vấn đề về thanh khoản, các nhà phát triển đã chuyển sang thị trường trái phiếu với khả năng phát hành dễ dàng và nhanh chóng. Cơ quan quản lý đã cố gắng bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi loại hình đầu tư rủi ro này bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận trái phiếu chuyên nghiệp ngay từ năm 2020. Hàng loạt nghị định được đưa ra gồm Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP và sau đó là Nghị định số 08/2023/NĐ-CP.

Dù tình hình hiện tại có thể được giải thích bằng các chỉ số ngắn hạn như môi trường tín dụng, lạm phát hay lãi suất tăng, nhưng vấn đề này cần giải pháp cơ bản và mang tính dài hạn để không gặp phải trở ngại tương tự trong tương lai.

Các trụ cột để xây dựng giải pháp

Một trong những trụ cột có thể giải quyết vấn đề này là sự cải thiện trong lĩnh vực tài chính. Điều này cũng được phản ánh trong Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), trong đó TPHCM là trung tâm tài chính niêm yết duy nhất ở Việt Nam xếp cuối cùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để tạo ra một khuôn khổ mạnh mẽ cho sự phát triển của khu vực tài chính, điều quan trọng là phải tập trung vào một số khía cạnh chính, bao gồm tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính, thúc đẩy các nỗ lực fintech và củng cố lĩnh vực ngân hàng.

Điều cần thiết nữa là mở ra khả năng tiếp cận nhiều loại sản phẩm tài chính và thị trường quốc tế cho nhà đầu tư để đa dạng nhiều loại tài sản. Hiện tại, cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư Việt Nam (đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân) còn hạn chế và có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ dưới các hình thức khác như lĩnh vực bất động sản.

Trụ cột khác là phổ biến kiến thức tài chính và đảm bảo sự hiểu biết của nhà đầu tư về hoạt động cơ bản của nền kinh tế và tài chính. Điều này sẽ trang bị cho họ khả năng phân tích cẩn thận các quyết định đầu tư và đánh giá hiệu quả hơn sự phức tạp của các cam kết tài chính và rủi ro liên quan. Điều này cũng đảm bảo các nhà đầu tư độc lập trong quyết định của mình và không có nhà lập pháp nào bị áp lực phải áp đặt các quy định quá mức đối với các tổ chức tài chính.

Cuối cùng để đưa Việt Nam đến gần hơn với tầm nhìn trở thành một quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2050, điều quan trọng là cần tăng cường thể chế một cách tổng thể. Các thể chế pháp lý của Việt Nam cho thấy khả năng cải thiện dần trong 25 năm qua trong việc kiểm soát tham nhũng, chất lượng quy định, pháp quyền và hiệu quả của hệ thống tư pháp. Những cải cách đã có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam (đặc biệt là trong nỗ lực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn