MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguồn cung hàng hóa dồi dào tại các chợ dân sinh, đủ phục vụ người tiêu dùng ngay cả khi SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp. Ảnh: Kh.V

Cung ứng đủ thực phẩm ngay cả khi SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp

Khánh Vũ LDO | 09/03/2020 13:39

Lượng hàng hóa ở các đầu mối cung ứng hết sức phong phú, sẽ không có hiện tượng khan hàng, sốt giá dù dịch SARS-CoV-2 (COVID-19) có thể diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, do chủ động ngay từ đầu, nên đến thời điểm sáng 9.3, lượng hàng hóa dự trữ và đưa về siêu thị để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân đã tăng 40-50%.

Trưa 9.3.2020, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Kim Dung – Giám đốc Co.op Mart Hà Nội nhấn mạnh: Hiện nay, tại hệ thống Co.op Mart Hà Nội luôn chủ động nguồn hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm trị giá 100 tỉ đồng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

“Ngoài việc cung ứng thêm khoảng 50% lượng hàng hóa, Co.op Mart còn hệ thống kho lưu trữ để nguồn hàng luôn đầy đủ. Các kho hàng của Co.op Mart tại miền Nam và miền Tây luôn sẵn sàng chủ động hỗ trợ Co.op Mart Hà Nội để nguồn hàng luôn phong phú, đầy đủ” – bà Nguyễn Kim Dung nói.

Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ngoài Co.op Mart, Big C, hệ thống siêu thị Lotte mart, MM Megamarket cũng đã chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. 

Nguồn cung thực phẩm tại các chợ dồi dào. Ảnh: Kh.V

"Do các doanh nghiệp đã ký kết với các nhà sản xuất ở Đà Lạt và các tỉnh phía Nam nên nguồn cung dồi dào, đảm bảo giá cả ổn định" - ông Trần Duy Đông cho biết.

Đẩy mạnh hình thức bán hàng điện tử

Không chỉ bán hàng trực tiếp tại chỗ, hình thức thương mại điện tử cũng là giải pháp tối ưu trong mùa dịch bệnh.

Đại diện Co.op Mart cho biết, đơn vị đã đẩy mạnh kênh bán hàng qua trang web hoặc số điện thoại để phục nhu cầu của nhân dân, góp phần hạn chế sự di chuyển của mọi người, góp phần giảm bớt sự lây nhiễm của SARS-CoV-2.

Nhiều siêu thị nhận bán hàng qua mạng để giảm bớt sự đi lại của người dân. Ảnh: Kh.V

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên các ứng dụng bán hàng online, hiện nay lượng đặt hàng qua sàn thương mại thực phẩm online (ubofood.com) tăng đột biến.

“Sở Công Thương đã đề nghị  các đơn vị phân phối chủ động chuẩn bị nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân Hà Nội, không để quầy kệ trống hàng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa để người dân yên tâm, không hoang mang, tích trữ hàng hóa, bình ổn thị trường”- bà Trần Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Hàng hóa, nhịp kinh doanh ổn định

Sáng 9.3, ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn quận, huyện của Hà Nội, giá hàng hóa đã ổn định trở lại sau đợt tăng nhẹ ngày 7.3.

Cụ thể, giá thịt lợn từ 140.000-160.000 đồng/kg; thịt bò: 200.000-270.000 đồng/kg; cá trắm: 70.000 đồng/kg; rau cải: 20.000 đồng/kg; rau muống: 8.000 đồng/bó; bí xanh: 20.000 đồng/kg; gạo tẻ: 130.000 đồng/yến.

Tại các chợ, lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau xanh, trái cây... về chợ nhiều, giá ổn định. 

Bà Nguyễn Thị Hằng, kinh doanh thực phẩm tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Từ sáng 9.3, nhịp kinh doanh tại chợ đã trở lại bình thường.

"Không có trường hợp mua hàng với số lượng lớn để dự trữ. Nhìn chung, người dân đã yên tâm khi nguồn cung thực phẩm dồi dào" - bà Nguyễn Thị Hằng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn